Theo dõi Báo Hànộimới trên

Liên kết để nâng cao năng lực cạnh tranh

Thanh Hiền| 17/08/2016 07:05

(HNM) - Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã giúp các doanh nghiệp (DN) sản xuất và kinh doanh nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm đối với người tiêu dùng (NTD) trong nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa.


Vẫn còn doanh nghiệp bị động

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo TƯ CVĐ Trương Thị Ngọc Ánh, sau gần 7 năm thực hiện, Ban Chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội đã triển khai sâu rộng và đồng bộ các biện pháp tới các đơn vị thành viên từ thành phố đến cơ sở, đơn vị sản xuất, kinh doanh, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. CVĐ đã góp phần nâng cao nhận thức của NTD; đồng thời, tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp NTD, các cơ quan, đoàn thể nhận thức rõ trách nhiệm đối với những sản phẩm sản xuất trong nước. Qua đó, các DN cũng nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm đối với NTD, đầu tư phát triển quy mô, trình độ sản xuất; nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa.

Trên địa bàn Hà Nội, các hệ thống siêu thị như Big C hiện có tới gần 90% là hàng sản xuất trong nước, hệ thống siêu thị Saigon Co.opmart chiếm 95%... Tại các khu vực nông thôn, hiện có tới 80% hàng hóa được bày bán là hàng Việt Nam, trong đó các sản phẩm hàng hóa phục vụ nhu cầu học tập của học sinh chiếm gần 90% là hàng Việt. Việc các cửa hàng mang biển hiệu “Made in Vietnam” xuất hiện ngày càng nhiều tại Thủ đô đã cho thấy nhu cầu dùng hàng Việt chất lượng cao, mẫu mã đa dạng của người dân là rất lớn.

Bên cạnh những hiệu ứng cụ thể, thiết thực mà CVĐ mang lại, trong thời kỳ hội nhập, sản phẩm trong nước luôn đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương, đơn vị lúng túng, bị động trong triển khai, hoặc thực hiện đối phó... Mặt trận và các đoàn thể ở các cấp chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện CVĐ. Công tác quản lý thị trường, hải quan, thuế trong đấu tranh chống hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập. Vẫn còn DN chưa phát huy vai trò, trách nhiệm trong thực hiện CVĐ, chưa sản xuất ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ bảo đảm chất lượng, giá cả thấp, đáp ứng nhu cầu của NTD. Thậm chí không ít DN vẫn còn tư tưởng “bao cấp”, chạy theo cơ chế xin - cho, chưa chú trọng đầu tư, nâng cao hàm lượng khoa học - công nghệ trong sản phẩm hàng hóa. Sự liên kết giữa các DN trong cùng lĩnh vực cũng như giữa các lĩnh vực sản xuất và nhà phân phối chưa chặt chẽ, thống nhất…

Tạo sức mạnh từ đồng thuận

Thời gian qua, vấn đề liên kết DN đã được đưa ra ở nhiều diễn đàn, hội thảo, song nhận thức của các DN về tầm quan trọng của liên kết vẫn hạn hẹp, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa. Phân tích về vấn đề này, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ DN cho rằng, trước hết cần phải khẳng định liên kết DN đóng vai trò quan trọng trong thời hội nhập để tạo nên sức mạnh đồng thuận trong mỗi ngành hàng, lĩnh vực, cũng như xây dựng nên những thương hiệu về sản phẩm, ngành hàng uy tín, nâng cao năng lực cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế. Nhưng, trên thực tế hầu hết các DN chỉ tập trung cho lợi ích riêng lẻ, “mạnh ai nấy làm”, hoặc “làm tất ăn cả”, chứ chưa thấy rõ được lợi ích lớn của việc xây dựng thương hiệu cho ngành hàng. Thêm vào đó, các hiệp hội do nguồn lực có hạn, chưa phát huy hết vai trò và năng lực trong việc định hướng, hay tạo dựng được sức mạnh đại diện cho một tập thể đủ lực để cạnh tranh. Những hạn chế này là lý do khiến các DN Việt yếu thế, không thể cạnh tranh với các DN "ngoại" ngay tại “sân nhà”. Nhiều DN lớn có thể tự “bơi”, còn hầu hết các DN nhỏ và vừa đều hoạt động manh mún, thiếu đoàn kết, thậm chí còn cạnh tranh không lành mạnh. Vì vậy, nếu biết kết hợp những thế mạnh của nhau, tạo nên chuỗi giá trị trong từng ngành hàng, đưa ra những sản phẩm uy tín, chất lượng thì chắc chắn trong tương lai không xa, sản phẩm mang thương hiệu Việt sẽ có tên trên bản đồ thế giới.

Để tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh như hiện nay, Ban Chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội nhận định, DN cần thay đổi tư duy phát triển, tiếp cận với các yêu cầu cao hơn của thị trường. Các DN nhỏ và vừa cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác để nâng cao năng lực cạnh tranh cả về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, quản trị… Các bộ, ngành cần rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa nội địa; kiểm soát việc nhập khẩu những mặt hàng không thiết yếu, trong nước có thể đáp ứng… Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi để các DN, địa phương phát triển sản xuất, kinh doanh, Hà Nội cũng sẽ rà soát các cơ chế, chính sách, tổ chức kênh bán hàng linh hoạt..., góp phần đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt, phát triển kinh tế ổn định, bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên kết để nâng cao năng lực cạnh tranh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.