Theo dõi Báo Hànộimới trên

Liên kết các hợp tác xã, nâng cao sức cạnh tranh là xu hướng tất yếu

Đỗ Minh| 11/12/2020 14:42

(HNMO) - Ngày 11-12, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế tập thể, hợp tác xã với chủ đề “Liên kết, hợp tác cùng phát triển - xu hướng hội nhập quốc tế và thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0”. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã chủ trì diễn đàn.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại diễn đàn.

Tham dự diễn đàn có hơn 500 đại biểu đại diện cho các bộ, ngành; cơ quan nghiên cứu; đại diện các tỉnh, thành phố và các hợp tác xã tiêu biểu trên cả nước.

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) ước tính, cuối năm 2020, cả nước có 119.248 tổ hợp tác (THT), 26.112 hợp tác xã (HTX) và 100 liên hiệp hợp tác xã, thu hút hàng chục triệu thành viên tham gia; doanh thu bình quân năm 2020 ước đạt 4.387 triệu đồng/HTX. Trong đó, doanh thu bình quân của HTX với thành viên đạt hơn 2,6 tỷ đồng, chiếm khoảng 60% doanh thu bình quân của một HTX... 

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã có một số HTX quy mô lớn, có doanh thu cao trên 100 tỷ đồng, thu hút nhiều lao động, đóng góp vào ngân sách nhà nước không kém bất kỳ doanh nghiệp lớn nào. Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhận định, trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay thì việc liên kết các HTX với nhau để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường là xu hướng tất yếu và bắt buộc.  

Nói về vai trò của nền kinh tế tập thể (KTTT), HTX, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho hay, trước biến đổi khí hậu, diễn biến cực đoan của thời tiết, thiên tai trong những năm qua và đại dịch Covid-19 diễn ra từ cuối năm 2019 đến nay, HTX có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế. Do đó, cần có những chính sách khuyến khích các HTX, đặc biệt là các HTX nông nghiệp phát triển, hỗ trợ các HTX sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La Tráng Thị Xuân cho rằng, việc phát triển HTX cần gắn với phát triển các chuỗi liên kết, sản xuất bảo đảm an toàn chất lượng, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng sản phẩm. Điều này sẽ góp phần khắc phục những tác hại từ thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm tăng trưởng cho nền kinh tế của mỗi địa phương. 

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, trong những năm qua, khu vực KTTT, HTX phát triển trên hầu hết các lĩnh vực, đóng góp ngày càng quan trọng vào nền kinh tế của đất nước, trực tiếp nâng cao thu nhập thành viên. Tuy nhiên, KTTT phát triển chưa tương xứng tiềm năng; phần lớn HTX quy mô còn nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu, chất lượng sản phẩm kém; nhiều HTX vẫn hoạt động hình thức, mới chỉ làm được một số khâu dịch vụ đơn giản; phát triển các HTX chưa đồng đều giữa các vùng, miền, địa phương; việc đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế...

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, nguyên nhân chính là việc triển khai các chính sách, pháp luật đối với KTTT, HTX còn chậm trễ, thiếu các cơ chế hỗ trợ; đồng thời, việc tiếp cận chính sách của HTX còn khó khăn vì vướng thủ tục, thiếu nguồn lực. Ngoài ra, sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền ở một số nơi chưa tích cực; chưa nhận thức rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của KTTT…

Để tạo điều kiện cho khu vực KTTT, HTX phát triển, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh về pháp lý, hạ tầng, nhân lực; tái cấu trúc nền kinh tế gắn với lựa chọn mô hình tăng trưởng để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của HTX, doanh nghiệp.

"Phát triển KTTT nhanh và bền vững, xuất phát từ nhu cầu của người dân, phát huy tối đa lợi thế, gắn sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, tăng cường liên kết giữa các HTX với nhau. Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó, Nhà nước xây dựng chính sách để phát triển KTTT", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Đặc biệt, khu vực KTTT là tổ chức kinh tế nên phải có khả năng cạnh tranh, năng động, hiệu quả bền vững. Đến năm 2025-2030, Việt Nam cần 10.000 tổ chức KTTT, thu hút 8 triệu thành viên tham gia, xây dựng nhiều mô hình KTTT ứng dụng công nghệ. Ngoài ra, cần tăng cường vai trò, trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của Liên minh HTX Việt Nam theo thẩm quyền để thực sự là chỗ dựa, "ngôi nhà chung" cho HTX, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên, các HTX.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên kết các hợp tác xã, nâng cao sức cạnh tranh là xu hướng tất yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.