Đầu tư

Tăng sức hấp dẫn môi trường đầu tư để thu hút vốn FDI

Hồng Sơn 01/02/2025 10:55

Năm 2024 vừa qua, Việt Nam tiếp tục giữ vững danh hiệu là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong bối cảnh lĩnh vực này vẫn diễn ra đầy thách thức và cạnh tranh gay gắt.

Đó cũng là hành trang bước vào năm mới 2025, hướng tới mục tiêu gia tăng thu hút mới, ưu tiên cải thiện chất lượng hoạt động FDI thông qua những dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, tạo động lực cho tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

linh-kien-dien-tu.jpg
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh). Ảnh: Nguyễn Quang

Điểm sáng năm 2024

Theo Tổng cục Thống kê, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam năm 2024 giải ngân đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 20,62 tỷ USD, chiếm 81,4% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã thực hiện. Dù lượng vốn mới thu hút xấp xỉ bằng năm trước, nhưng lượng vốn FDI giải ngân lại tăng khá mạnh và đây là kết quả rất đáng chú ý trong bối cảnh mức cạnh tranh về thu hút đầu tư ngày càng gay gắt trên phạm vi toàn cầu. Mặt khác, lượng vốn giải ngân mới là số vốn thực tế mà nhà đầu tư bỏ ra triển khai dự án tại Việt Nam, đồng thời cho thấy niềm tin vào tương lai, tâm lý muốn gắn bó lâu dài của giới đầu tư quốc tế.

Vụ trưởng Vụ thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê) Phí Thị Hương Nga cho rằng, hoạt động đầu tư nước ngoài diễn ra tích cực, là điểm sáng trong năm 2024 vừa qua. Đặc biệt, nhiều công ty, nhất là tập đoàn công nghệ lớn, nổi tiếng thế giới đang quan tâm, chủ động tìm hiểu điều kiện, cơ hội để nghiên cứu khả năng đầu tư dự án mới tại Việt Nam; trong đó đáng ghi nhận nhất là những tập đoàn làm chủ công nghệ hiện đại, sản xuất các sản phẩm có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao. Đây là thực tế quan trọng, điều kiện đầu vào để tạo ra sự thay đổi về chất lượng tăng trưởng, nâng lên một tầm cao mới cho nền kinh tế.

Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đánh giá tích cực về môi trường và sức hấp dẫn của Việt Nam, đã quyết định triển khai những dự án quy mô lớn làm trung tâm sản xuất chiến lược để kết nối với các chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, một số tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã và đang muốn đầu tư vào ngành điện tử, sản xuất chíp ở Việt Nam với một số tên tuổi lớn trong ngành sản xuất bán dẫn như Intel, Samsung, Synopsys… Đáng lưu ý, Tập đoàn Nvidia được coi như “người khổng lồ” cũng đang đẩy mạnh các hoạt động nhằm hiện diện ở Việt Nam thông qua việc hợp tác với đối tác trong nước cũng như khả năng triển khai dự án riêng. Chưa bao giờ, Việt Nam nổi lên mạnh mẽ, trở thành một trong những địa chỉ hấp dẫn hàng đầu đối với giới đầu tư quốc tế, nhất là công nghệ cao.

Thực tế cho thấy, Việt Nam đang đi đúng hướng, chủ động sàng lọc cơ hội, thu hút đầu tư mới trên cơ sở thực hiện hài hòa, đồng đều 2 mục tiêu là nâng lượng và tăng chất đầu tư nước ngoài; hướng tới sự lan tỏa, hiệu quả tổng hợp.

Chủ động cải cách, gọi đầu tư

Theo các chuyên gia, Chính phủ, cơ quan chức năng cũng như đại diện các tập đoàn, công ty lớn trong nước đã chủ động làm tốt công tác xúc tiến đầu tư, xét cả về chiều rộng và chiều sâu; giới thiệu về tiềm năng, lợi thế để tăng cường FDI cũng như sự hỗ trợ toàn diện của Chính phủ. Thời gian tới, các lĩnh vực công nghệ cao, hiện đại sẽ được ưu tiên với định hướng rõ ràng đối với một số ngành quan trọng như hạ tầng, y tế, tài chính, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…

Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế cạnh tranh gay gắt như hiện tại thì việc đưa ra chính sách hỗ trợ đầu tư mới là vô cùng cấp thiết. Cụ thể hơn, mục tiêu thu hút vốn FDI giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 150-200 tỷ USD và 200-300 tỷ USD cho giai đoạn 2026-2030 là áp lực lớn nên cần bổ sung chính sách mới về hỗ trợ đối với nhà đầu tư, tăng sức hấp dẫn về điều kiện, môi trường đầu tư.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam luôn nỗ lực cải cách môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục để duy trì vị thế điểm đến an toàn, hiệu quả và cạnh tranh so với các nước. Trong đó, đối với các ngành công nghệ cao tại khu công nghiệp, nhà đầu tư chỉ cần đăng ký là thực hiện được ngay thay vì phải mất nhiều thời gian chờ đợi qua các công đoạn như phê duyệt, thẩm định, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy, chữa cháy như trước đây.

Một động thái mới, rất mạnh mẽ, nhận được sự quan tâm, đồng thuận cao của giới FDI là việc Chính phủ đã ban hành Nghị định 182/2024/NĐ-CP (ngày 31-12-2024) quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư. Đối tượng được thụ hưởng gồm doanh nghiệp công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao và doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D).

Việc ra đời của Quỹ phù hợp với định hướng thu hút FDI, góp phần nâng cao vị thế dài hạn của Việt Nam trong chuỗi cung ứng quốc tế; đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực công nghệ cao đang là xu hướng mới như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; thúc đẩy xây dựng, đưa các trung tâm nghiên cứu và phát triển về Việt Nam để nâng cao nền tảng công nghệ, phát triển nhân lực khoa học công nghệ tại Việt Nam.

Mục tiêu của Việt Nam là tập trung thu hút các dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn, công nghệ cao trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, hydrogen... Đây được coi là một trong những động lực quan trọng để nền kinh tế tăng tốc, bứt phá, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Để thu hút được dòng vốn theo mục tiêu này, các chuyên gia lưu ý, cần tập trung vào những chính sách mang tính đột phá nhằm thu hút được FDI vào những lĩnh vực mà chúng ta mong muốn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng sức hấp dẫn môi trường đầu tư để thu hút vốn FDI

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.