Chính trị

Thực hiện đồng bộ các giải pháp về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư 

Hà Vũ 14/07/2023 - 12:26

Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện, nâng cao các chỉ số PAPI, SIPAS, PARINDEX, PCI và triển khai Kế hoạch khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính. 

Nội dung trên được nêu trong Kết luận số 1240-KL/TU ngày 12-7-2023 của Thường trực Thành ủy Hà Nội về Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý II năm 2023.

hoi-nghi-giao-ban-2.jpeg
Hội nghị giao ban quý II-2023 giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, ngày 29-6-2023.

Thực hiện nghiêm Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy

Về công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện mức độ hài lòng của cơ quan, tổ chức, công dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp thành phố, Thường trực Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành từ thành phố đến cơ sở tập trung thực hiện tốt 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Trong đó, Thường trực Thành ủy chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhóm giải pháp, biện pháp đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC) và chuyển đổi số, nhất là khắc phục triệt để tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, không tham mưu giải quyết công việc, đùn đẩy, né tránh; gắn với thực hiện Chương trình số 01-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025”, Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30-12-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Kế hoạch số 144-KH/TU ngày 15-3-2023 để khắc phục các hạn chế, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy sau kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo năm 2022.

“Tập trung chỉ đạo hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; trong đó, Ban Cán sự đảng UBND thành phố cần tiếp tục quán triệt và siết chặt kỷ cương, kỷ luật, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện Kế hoạch đầu tư công trên tất cả các ngành, các lĩnh vực, các địa phương, các cấp quản lý; đối với các đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân cuối năm 2023 đạt thấp phải xác định nguyên nhân, trách nhiệm chủ quan và đề xuất với Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu và các tổ chức, cá nhân liên quan”, kết luận nêu rõ.

Đảng đoàn HĐND thành phố tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác giám sát, tái giám sát việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung công tác CCHC và Kế hoạch đầu tư công năm 2023 của thành phố.

Các đồng chí giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành thành phố, các đồng chí bí thư, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã cần vào cuộc quyết liệt, chịu trách nhiệm về hiệu quả, chất lượng công tác CCHC tại cơ quan, đơn vị mình; chỉ đạo xây dựng Kế hoạch CCHC bám sát chương trình của thành phố.

Tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật, chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong xử lý công việc của các cấp ủy, địa phương, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội và Kế hoạch triển khai thực hiện. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần chủ động nghiên cứu, sớm ban hành các văn bản để tập trung triển khai thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt ngay khi Chỉ thị và Kế hoạch của Ban Thường vụ Thành ủy được ban hành.

Thường trực Thành ủy yêu cầu các quận, huyện, thị xã tiếp tục phối hợp với các sở, ngành thành phố, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), phân cấp, ủy quyền, trong đó, tập trung phân cấp quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội và ủy quyền giải quyết TTHC. Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo rà soát, đánh giá hiệu quả để đề xuất phương án thực hiện phân cấp, ủy quyền trong giải quyết TTHC, nhất là các nhóm có thủ tục hồ sơ hành chính được giao dịch thường xuyên như: Tư pháp, đất đai, xây dựng, lao động - thương binh và xã hội, bảo hiểm, thuế... Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các TTHC, các quy định hành chính, TTHC nội bộ.

“Đổi mới cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ điện tử thống nhất trên toàn thành phố, đáp ứng yêu cầu theo Đề án của Thủ tướng Chính phủ về "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (ban hành kèm theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Thực hiện số hóa hồ sơ kết quả giải quyết TTHC, nhất là TTHC liên thông theo yêu cầu chỉ tiêu và thời hạn của Trung ương và thành phố; gắn với tập trung đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin cho cấp xã, đặc biệt là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC”, kết luận nêu rõ.

Khẩn trương đưa 2 nhà máy điện rác vào hoạt động chính thức

Về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố, Thường trực Thành ủy Hà Nội chỉ đạo 3 nhóm nhiệm vụ cần tập trung thực hiện.

Trong đó, Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát tình hình quản lý, vận hành các khu xử lý Nam Sơn, Xuân Sơn; tiếp tục triển khai các giải pháp đảm bảo chủ động tiếp nhận, xử lý khối lượng rác thải đến năm 2025 trong trường hợp nhà máy đốt rác có sự cố, chưa đầu tư đúng tiến độ, đảm bảo việc tiếp nhận xử lý chất thải rắn sinh hoạt của thành phố không bị gián đoạn.

Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo tiếp tục đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án đầu tư Nhà máy điện rác Sóc Sơn hoàn thành và đi vào hoạt động chính thức trong năm 2023; xem xét nâng công suất Nhà máy điện rác Seraphin (Xuân Sơn) và hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2024.

UBND các huyện Sóc Sơn, Ba Vì, thị xã Sơn Tây đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn công tác vận hành các khu xử lý chất thải; khẩn trương hoàn thành các dự án GPMB vùng ảnh hưởng môi trường, giải quyết các kiến nghị của người dân. UBND huyện Ba Vì cần tập trung giải quyết kiến nghị người dân, phải đảm bảo thông suốt công tác tiếp nhận tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn.

Các sở, ngành có liên quan tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh nội dung điều chỉnh Quy hoạch chất thải rắn Thủ đô để tích hợp vào điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường để Bộ sớm ban hành hướng dẫn về phân loại chất thải rắn sinh hoạt làm cơ sở pháp lý để UBND thành phố ban hành Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và xây dựng, hoàn thiện hệ thống định mức, đơn giá, giá dịch vụ vệ sinh môi trường phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường.

Các quận, huyện, thị ủy chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã nâng cao vai trò, chịu trách nhiệm quản lý vệ sinh môi trường trên địa bàn đúng theo phân cấp; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, đổ trộm, trộn lẫn chất thải; quản lý chặt chẽ năng lực các đơn vị duy trì vệ sinh môi trường và xem xét, đề xuất, giải quyết kịp thời các khó khăn của đơn vị nhằm đảm bảo tính đúng, tính đủ trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện đồng bộ các giải pháp về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.