(HNMO) – Tổng Thư ký Liên hợp quốc (UN) Antonio Guterres đã gửi lời ca ngợi và đánh giá cao tất cả những quốc gia đạt được mục tiêu không còn bệnh sốt rét.
Trích dẫn số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổng Thư ký Antonio Guterres cho biết, trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2019, số quốc gia có ít hơn 100 trường hợp mắc bệnh sốt rét bản địa đã tăng từ 6 lên 27 quốc gia. Người đứng đầu UN nhận định, sự gia tăng này cho thấy việc loại trừ bệnh sốt rét nằm trong tầm tay.
Các quốc gia không có bệnh sốt rét đã tiếp cận những người có nguy cơ bằng các dịch vụ cần thiết, từ phòng ngừa đến phát hiện và điều trị, bất kể quốc tịch hay tình trạng tài chính.
“Nguồn vốn ổn định, hệ thống giám sát và sự tham gia của cộng đồng là chìa khóa thành công”, Tổng Thư ký Antonio Guterres nêu rõ.
Tuy nhiên, Tổng Thư ký Antonio Guterres cũng lưu ý, vẫn còn hàng triệu người trên thế giới tiếp tục phải chịu đựng và tử vong vì căn bệnh hiểm nghèo này. Mỗi năm, bệnh sốt rét cướp đi sinh mạng của hơn 400.000 người, chủ yếu là trẻ nhỏ ở châu Phi và có hơn 200 triệu trường hợp mắc mới căn bệnh nguy hiểm này hằng năm.
Theo WHO, năm 2019, châu Phi chiếm 94% tổng số ca sốt rét và tử vong trên toàn thế giới, với hơn một nửa số ca bệnh xảy ra ở 5 quốc gia, bao gồm Nigeria (27%), Congo (12%), Uganda (5%), Niger (5%) và Mozambique (4%). Trong cùng thời gian đó, khoảng 3% trường hợp mắc bệnh sốt rét đã được báo cáo ở Đông Nam Á và 2% ở khu vực Đông Địa Trung Hải. Tại châu Mỹ và khu vực Tây Thái Bình Dương, mỗi khu vực chỉ chiếm dưới 1% tổng số trường hợp.
Chứng nhận loại trừ bệnh sốt rét là sự công nhận chính thức của WHO về tình trạng không có bệnh sốt rét của một quốc gia. Tổ chức y tế lớn nhất thế giới cấp chứng nhận khi một quốc gia chứng minh được rằng chuỗi lây truyền bệnh sốt rét bản địa đã bị gián đoạn trên toàn quốc trong ít nhất 3 năm liên tiếp.
Sau 50 năm cam kết xóa sổ bệnh sốt rét, El Salvador đã trở thành quốc gia đầu tiên ở Trung Mỹ được WHO công nhận không còn bệnh sốt rét vào tháng 2 vừa qua. Trong khi đó, Trung Quốc, quốc gia không ghi nhận ca bệnh bản địa nào vào năm 2016 và vẫn không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh cho đến nay, đã nộp đơn xin chứng nhận không có bệnh sốt rét lên WHO vào năm 2020.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.