(HNM) - Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH,TT&DL) tổ chức Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ (LH), với mong muốn tạo cú hích cho các tác giả đương thời. Thế nhưng, trong một tuần diễn ra liên hoan (từ ngày 9 đến 16-9), hiệu ứng tốt đẹp còn hơn kỳ vọng ban đầu.
Tấp nập, nườm nượp, nhắc nhau đi xem kịch nói, đó là hiện tượng hiếm thấy trong nhiều năm trở lại đây. Suốt một tuần qua, những suất diễn luôn kín khán giả và nụ cười rạng rỡ lại nở trên môi người làm sân khấu.
Ảnh minh họa |
Theo Ban tổ chức LH, vé các buổi diễn được chia ba, một phần để mời nghệ sĩ lão thành, nhà phê bình sân khấu; một phần nhà hát tặng khán giả và còn lại được đưa ra quầy vé. Khảo sát tại các điểm diễn, thấy nơi nào cũng có cảnh "cháy" vé, hiện tượng tuồn vé mời ra chợ đen rất hiếm. Người đến rạp, ngoài số làm nghề, những nhà chuyên môn lão làng thì còn có rất nhiều khán giả trẻ. Họ chịu ngồi "ké", thậm chí đứng tràn ra lối đi để xem kịch. Một sinh viên ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cho biết, đây là cơ hội hiếm hoi để học nghề, để cảm nhận "hiện tượng" Lưu Quang Vũ là thế nào. NSƯT Chí Trung hào hứng nói: "Xúc động rơi nước mắt khi thấy sự trở lại của "hiện tượng" Lưu Quang Vũ. Khán giả kéo đến đông nghẹt, dù có hôm mưa gió đùng đùng".
Rõ ràng là khán giả không quay lưng với chính kịch như nhiều nhận định lâu nay. NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho rằng, chỉ vì chúng ta không có được kịch bản tốt, chưa có những tài năng như Lưu Quang Vũ ở thời điểm này nên thời gian qua chính kịch mới "èo uột", nguội lạnh đến thế.
Đa số khán giả đến với LH thấy vui theo từng câu thoại, tình huống chuyện mà Lưu Quang Vũ đặt ra, được sống trong bầu không khí cuồng nhiệt lâu rồi mới có, dù kịch Lưu Quang Vũ không còn xa lạ so với nhiều người. Điều gì tạo nên bầu không khí đáng mơ ước ấy? NSND Phạm Thị Thành, người đã từng dựng hơn 20 kịch bản của Lưu Quang Vũ, đánh giá: "Chính là sự sáng tạo. Kịch bản của Lưu Quang Vũ rất hay, vẫn rõ tính thời sự nhưng cần có sự thay đổi trong mỗi lần dàn dựng. Lần này, các nghệ sĩ dàn dựng khác nhiều so với tôi ngày xưa, đó là điều đáng hoan nghênh".
Trên cái nền kịch bản vững vàng của Lưu Quang Vũ, lớp nghệ sĩ đương thời đã phần nào đó thể hiện khả năng sáng tạo trong cách dàn dựng, thể hiện. NSND Lan Hương vận dụng thủ pháp độc đáo của tuồng cổ vào kịch hình thể "Hồn Trương Ba, da hàng thịt". NSƯT Chí Trung thêm hơi thở đương đại vừa đủ, tận dụng hiệu ứng điện ảnh để tạo nên một "Mùa hạ cuối cùng" có sự khác mà vẫn hấp dẫn. "Nàng Si ta", "Ngọc Hân công chúa" của Nhà hát Chèo Hà Nội và "Điều không thể mất" của Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế tuân thủ kịch bản nhưng vẫn khiến khán giả "đã mắt, đã tai" bởi sử dụng hình thức sân khấu khác kịch nói, điều đó cho thấy sự sáng tạo mang tính toàn diện của Lưu Quang Vũ đáp ứng được yêu cầu của nhiều loại hình sân khấu.
Hy vọng về chính kịch rõ ràng hơn sau LH, đơn giản là khán giả vẫn có cái nhìn thiện cảm với loại hình này, miễn là các vở diễn không nhạt nhẽo. Điều đó đương nhiên là động lực cho các đơn vị nghệ thuật chú trọng đầu tư dàn dựng tác phẩm chính kịch hấp dẫn trong tương lai.
Giải thưởng Liên hoan - Giải đạo diễn: NSƯT Chí Trung - vở "Mùa hạ cuối cùng". - Giải Vàng cho diễn viên: Thu Huyền, Quốc Chiêm, Trần Thị Hiền (Nhà hát (NH) Chèo Hà Nội); Phương Loan, Khánh Dy (NH Ca kịch Huế); Minh Phương, Tùng Linh, Đức Khuê, Duy Nam (NH Tuổi trẻ); Kim Tuyến, Minh Tuấn (Đoàn Cải lương Hải Phòng); Quang Nhất (Đoàn Kịch Nam Định); Huệ Đàn, Ngọc Thư (NH Kịch Quân đội); Việt Thắng (NH Kịch Việt Nam); Chí Nhân (NH Kịch Hà Nội). - 34 diễn viên được trao giải Bạc. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.