(HNM) - Ngay sau khi đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về tình trạng tổ chức lễ hội tràn lan, lãng phí, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh tiếp tục chủ trì hội nghị đánh giá công tác tổ chức và quản lý lễ hội năm 2010 nhằm
Đông đảo người dân khắp nơi về dự Lễ hội Đền Hùng năm 2010. Ảnh: Trung Kiên |
Lễ hội tràn lan, lãng phí
"Lễ hội được tổ chức tràn lan, lãng phí, biến tướng, thương mại hóa, khách mời đông hơn người dân, gây ảnh hưởng tới môi trường và an ninh trật tự"... là những căn bệnh nổi cộm được Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Nguyễn Đạo Toàn khẳng định đang diễn ra trong mười năm trở lại đây: "Tôi chụp được ảnh ở đền Côn Sơn, Kiếp Bạc (Hải Dương), ngựa chiến xếp thành hàng dài, hình nhân thế mạng cao như núi. Tương tự, sự hỗn loạn trong ngày phát ấn đền Trần - Nam Định đã vượt quá mức chịu đựng của người tham gia lễ hội, các nhà quản lý. Theo thống kê, chỉ tính riêng tối 14 tháng Giêng năm Canh Dần, hàng vạn người đã đổ về Khu di tích đền Trần chen lấn, xô đẩy để xin ấn, cầu bổng lộc, cầu công danh khiến hàng chục người bị ngất xỉu. Còn ở lễ hội Bà Chúa Kho, khách thập phương đang dần biến bà Chúa Kho từ bà chúa trông kho thành bà chúa cho vay lãi...".
Đồng tình với quan điểm trên, song PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên GĐ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho rằng: Sự phô trương, lãng phí chỉ tập trung ở các lễ hội lớn hoặc các lễ hội mới phát sinh, còn các lễ hội dân gian cơ bản vẫn giữ được bản sắc. Nguyên nhân dẫn đến sự lệch chuẩn có phần trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước vì lễ hội có lớn thì Nhà nước mới cấp kinh phí khiến địa phương đua nhau nâng cấp lễ hội.
Thêm dẫn chứng cho sự phô trương, hình thức lãng phí này, ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL nói về chai rượu kỷ lục cúng "Quốc tổ" ở lễ hội đền Hùng vừa qua: "Khi công luận lên tiếng, chúng tôi có văn bản yêu cầu Sở VH,TT&DL Phú Thọ cho tháo ngay chai rượu khỏi khu vực hành lễ, nhưng Giám đốc Sở VH,TT&DL trả lời: "Việc này phải có ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh". Ông Thành cho rằng, chính sự tắc trách của người làm công tác quản lý lễ hội ở các địa phương là nguyên nhân chính dẫn tới sự phô trương, lãng phí, biến tướng trong lễ hội.
Nan giải bài toán quản lý
Có thể nhận thấy, những hạn chế yếu kém trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội đã được ngành văn hóa nhìn thẳng, nhìn thật và tìm đến tận gốc của vấn đề. Song, làm thế nào để lễ hội vừa đáp ứng được nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của cộng đồng, vừa góp phần quảng bá hình ảnh lịch sử, văn hóa của một vùng hay một địa phương xem ra vẫn là bài toán khó bởi đến thời điểm này những người làm công tác quản lý văn hóa vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về những vấn đề rất cụ thể.
Ngay việc nên hay không duy trì lễ phát ấn ở đền Trần đã có nhiều ý kiến trái chiều. Theo GS Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện Việt Nam học, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội - người đã tận mắt chứng kiến cảnh chen lấn, xô đẩy tại lễ hội phát ấn đền Trần thì cho rằng nên bỏ việc phát ấn vì "trông thật thảm hại". Chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL Vũ Xuân Thành cũng đồng thuận với ý kiến trên và cho rằng cần phải xem xét lại quy trình tổ chức lễ hội đền Trần. Theo ông, chỉ nên tiến hành nghi lễ khai ấn nghiêm trang, sau đó đem bản in duy nhất đó vào dâng lên bàn thờ trong đền để người dân có thể vào hành lễ thay vì phát ấn như hiện nay. Còn theo Tiến sỹ Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật lại cho rằng không nên can thiệp quá sâu vào lễ hội của người dân...
Trước luồng ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Xuân, Giám đốc Sở VH,TT&DL Nam Định nói: "Phát ấn đền Trần là thương hiệu, là nhu cầu tất yếu của nhân dân Nam Định, vì thế, tôi chưa thể trả lời câu hỏi nên hay không nên tiếp tục phát ấn đền Trần".
Việc nhìn nhận "thủ phạm" gây ra những biến tướng trong lễ hội cũng mỗi người một phách. TS Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho hay: "Nói quá nhiều lễ hội, nên dẹp bớt, tức là chúng ta đã đánh đồng giữa lễ hội dân gian với các festival, các sự kiện mới. Đó là sự nhầm lẫn đáng lo ngại. Về cơ bản, các festival, sự kiện mới gây lãng phí tiền của Nhà nước, làm sai lệch di sản của cộng đồng, vi phạm quyền chủ thể của văn hóa, còn các lễ hội truyền thống do người dân tự sáng tạo, tự duy trì và tự bỏ kinh phí để tổ chức nhằm thỏa mãn nhu cầu văn hóa, tâm linh là việc làm cần khuyến khích". Theo cách nhìn nhận này thì các công ty tổ chức sự kiện cho các kỳ festival hoặc lễ hội kỷ niệm ngày truyền thống của ngành, của địa phương là "thủ phạm" làm lễ hội ngày càng lệch chuẩn. Thế nhưng, tiêu diệt "thủ phạm" ấy không dễ vì "lễ hội được giao cho các công ty làm thì ngành văn hóa địa phương rất khó quản lý, can thiệp do mối quan hệ giữa họ với người đứng đằng sau" - Ông Vũ Xuân Thành nói.
Phản đối nhận định trên, ông Phạm Việt Dũng, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Thừa Thiên Huế đưa ra dẫn chứng: Festival đã giúp tỉnh Thừa Thiên Huế thay da đổi thịt, lượng du khách đến với Huế sau 6 kỳ festival tăng gấp 5 lần so với những năm chưa tổ chức festival, mang lại nguồn thu hàng trăm tỷ đồng cho tỉnh...
Như vậy, việc làm thế nào để khắc phục tình trạng phô trương, lãng phí trong lễ hội tuy đã được "mổ xẻ" nhưng kết quả chưa đâu vào đâu. Thôi thì chờ mùa lễ hội năm sau sẽ rõ.
Theo thống kê của Cục Văn hóa cơ sở, cả nước hiện có 7.966 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, 332 lễ hội lịch sử, 544 lễ hội tôn giáo, 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, nước ta đã tổ chức 18 Festival, 8 tuần văn hóa, thể thao và du lịch và còn 6 Festival sắp diễn ra. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.