(HNMO) - Ngày 18-10, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo khoa học lấy ý kiến góp ý bản thảo cuốn sách Lịch sử Công Thương Việt Nam (1945-2010).
Cuốn sách “Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010” có dung lượng gần 1.000 trang, với kết cấu 3 phần gồm: Phần I: Sơ lược lịch sử hình thành Bộ Công Thương; Phần II gồm 8 chương về Công nghiệp - Thương mại Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến năm 2010, những bài học lịch sử và Phần III: Biên niên một số sự kiện lịch sử liên quan đến hoạt động ngành Công Thương giai đoạn 1945-2010.
Góp ý về dự thảo cuốn sách “Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010”, các đại biểu có chung quan điểm, đây là công trình đồ sộ, có tính toàn diện và chất lượng cao, hữu ích cho việc nghiên cứu để từ đó suy ngẫm thêm về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của ngành trong tiến trình lịch sử. Trong đó GS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước ngành kinh tế cho rằng, bản thảo cuốn sách đã chỉ ra được nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm thành công và thất bại trong quản lý, điều hành nền kinh tế. Tính đến năm 2010, trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, lịch sử của ngành Công Thương Việt Nam luôn gắn liền với những sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc.
Còn PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản lại cho rằng: “Cuốn sách là công trình đầu tiên nghiên cứu một cách toàn diện (cả lịch sử ngành và lịch sử tổ chức của ngành), hệ thống qua các thời kỳ lịch sử - cách mạng về Công Thương Việt Nam. Công trình này cần và xứng đáng được coi là một công trình quan trọng của lịch sử Việt Nam nói chung.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu góp ý, chỉnh sửa, bổ sung về bố cục, kết cấu... của cuốn sách.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên một lần nữa nhấn mạnh, bản thảo Lịch sử Công Thương Việt Nam được nghiên cứu, xây dựng công phu, toàn diện, sâu sắc, là nguồn sử liệu quý, có độ tin cậy cao, là tài liệu tuyên truyền, giáo dục về truyền thống vẻ vang của ngành Công Thương Việt Nam... Bộ trưởng đề nghị Ban Biên soạn tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học và các cán bộ lão thành trong ngành để tiếp tục hoàn thiện bản thảo và tiến tới xuất bản cuốn sách trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.