Cuối năm là thời điểm tình hình sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng giả… gia tăng phức tạp.
Các lực lượng chức năng đang triển khai kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, tập trung vào các mặt hàng, đối tượng, địa bàn trọng điểm. Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính (Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương) Vũ Thị Minh Ngọc đã trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về nội dung này.
Gia tăng gian lận thương mại với hình thức, thủ đoạn mới
- Bà có thể cho biết tình hình hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại 10 tháng qua, nhất là trong quý cuối năm nay?
- Tình hình vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về an toàn thực phẩm còn diễn biến phức tạp vào một số thời điểm trong năm. Hàng hóa vi phạm đa số được đối tượng tập kết tại khu vực biên giới hoặc các kho hàng trung chuyển trên tuyến lưu thông để thẩm lậu vào tiêu thụ trong nội địa. Vi phạm chủ yếu phát hiện là nhóm hàng trong nước đang có nhu cầu cao như thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm, vàng, trang sức, thuốc lá điện tử...
Tình hình vận chuyển, buôn bán hàng cấm là thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng còn diễn biến phức tạp. Các địa bàn đang là điểm nóng về vi phạm đối với mặt hàng này là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Long An, Khánh Hòa, Lạng Sơn…
Đặc biệt, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên thương mại điện tử phổ biến hơn, xuất hiện nhiều kênh tiêu thụ hàng vi phạm sở hữu trí tuệ với quy mô lớn, tinh vi, phức tạp, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, chủ thể quyền, môi trường đầu tư, kinh doanh và uy tín của doanh nghiệp. Hầu hết các nhãn hàng, hãng sản xuất thương hiệu lớn đều có nguy cơ bị nhập lậu, làm giả, làm nhái dưới dạng sao chép kiểu dáng, chỉ dẫn địa lý giả mạo, xâm phạm nhãn hiệu, đặc biệt là các thương hiệu nổi tiếng như: Adidas, Chanel, Gucci, Dior, Louis Vuitton…
- 10 tháng qua, công tác quản lý nhà nước đối với thị trường hàng hóa của Tổng cục Quản lý thị trường đã thu được những kết quả ra sao, thưa bà?
- Trong 10 tháng qua, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 41.738 vụ vi phạm, chuyển cơ quan điều tra 144 vụ có dấu hiệu hình sự (giảm 3%), với tổng số tiền xử lý là 779 tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023). Đã thu nộp ngân sách nhà nước 481 tỷ đồng (tăng 12%).
Với vi phạm trên môi trường thương mại điện tử, các đơn vị đã kiểm tra 2.606 vụ, xử lý 2.361 trường hợp vi phạm; phạt hành chính trên 38 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm gần 32 tỷ đồng. Về mặt hàng vàng đã kiểm tra 680 vụ, phát hiện xử lý 551 vụ, phạt hành chính trên 15,1 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm trên 22,7 tỷ đồng; thu giữ và chuyển cơ quan chuyên ngành hàng nghìn sản phẩm vi phạm để xử lý theo quy định. Với mặt hàng thuốc lá điếu, thuốc lá thế hệ mới đã kiểm tra 1.067 vụ; phát hiện, xử lý 800 vụ; phạt hành chính trên 3,1 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm gần 5,7 tỷ đồng...
Liên quan tới mặt hàng xăng dầu, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 2.210 vụ, phát hiện, xử lý 371 vụ, xử phạt hành chính gần 12 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu về điều kiện kinh doanh, mua hoặc bán xăng dầu với đối tượng ngoài hệ thống phân phối theo quy định; chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật.
- Theo bà, đâu là nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả công tác quản lý thị trường?
- Tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng diễn biến phức tạp, thường xuyên, với nhiều thủ đoạn tinh vi trên cả thị trường truyền thống và thương mại điện tử.
Thực tế, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, có nhiều nguyên nhân đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác của các lực lượng chức năng, trong đó có nguyên nhân khách quan như một số văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, xử phạt vi phạm hành chính còn vướng mắc, bất cập trong thực tiễn áp dụng. Sự phối hợp giữa chủ sở hữu nhãn hiệu đối với các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ do tư duy sợ ảnh hưởng đến thương hiệu; việc tham gia chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng của các hiệp hội ngành hàng còn hạn chế...
Với lĩnh vực thương mại điện tử, đa số đối tượng tổ chức kho hàng gần cửa khẩu, thiết lập các điểm livestream tiếp nhận đơn và chuyển hàng đặt ở nhiều địa điểm khác nhau trên cả nước. Cùng với đó, hàng hóa vi phạm trà trộn, vận chuyển trong các kiện hàng, sử dụng số điện thoại không chính chủ để giao dịch, mua bán thông qua các đơn vị dịch vụ giao nhận, chuyển phát nhanh nên rất khó phát hiện.
Tăng cường kiểm tra các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao
- Tổng cục Quản lý thị trường đã có những giải pháp nào để góp phần ngăn chặn vi phạm của một số sàn thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đăng ký tại Việt Nam?
- Đối với các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới đang hoạt động tại Việt Nam nhưng chưa tuân thủ các quy định của pháp luật (như Temu, Shein, 1688), Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kho hàng, điểm tập kết hàng hóa; kiến nghị cấp có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ngoài ra, Tổng cục cũng tập trung triển khai hiệu quả Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 của Chính phủ, tăng cường công tác thu thập thông tin, thẩm tra xác minh, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử.
- Vậy những giải pháp để ổn định thị trường hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán là như thế nào, thưa bà?
- Tổng cục đã ban hành kế hoạch về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ; yêu cầu lực lượng quản lý thị trường xây dựng kế hoạch, phương án kiểm tra kiểm soát thị trường theo tuyến, địa bàn, đối tượng, mặt hàng trọng điểm, tập trung đẩy lùi gian lận thương mại.
Tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm vi phạm hành chính đối với những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như thuốc lá, rượu, bia, nước giải khát, đường cát, thực phẩm, hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, gia súc, gia cầm, pháo nổ, pháo hoa… Đặc biệt là kiểm tra chất lượng hàng hóa, việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm; kiểm soát hàng hóa kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, website, các mạng xã hội…
Tập trung kiểm tra, kiểm soát tại các tuyến biên giới, trong đó tuyến biên giới phía Bắc kiểm tra các mặt hàng pháo nổ, thuốc lá, rượu, bia, nước giải khát, hàng thời trang, thực phẩm, mỹ phẩm, gia súc, gia cầm… Còn trong nội địa tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ dân sinh, các tuyến phố buôn bán sầm uất, cơ sở sản xuất; chú trọng kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý…
Phối hợp với lực lượng chức năng các tỉnh biên giới phòng ngừa, ngăn chặn hàng hóa vi phạm vận chuyển từ tuyến biên giới đường bộ, đường biển, đường hàng không vào thị trường nội địa tập kết, tiêu thụ…
- Trân trọng cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.