(HNM) - Quá trình chuyển giao công nghệ bộc lộ không ít bất cập, đặc biệt là việc nhập một số dây chuyền có công nghệ lạc hậu đã dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp làm ăn đình trệ, thua lỗ và hệ lụy khác.
Đổi mới công nghệ còn nhiều hạn chế
Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nhấn mạnh: “Hoạt động CGCN là vấn đề rất quan trọng vì vị thế của một quốc gia gắn chặt với trình độ công nghệ của quốc gia đó”. Trong khi đó, theo phân tích của các thành viên Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội, tốc độ đổi mới công nghệ trong các DN thời gian qua rất thấp, chưa như mong muốn (10%/năm), một số ngành, lĩnh vực (các nhà máy nhiệt điện, khai khoáng…) vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu.
Việc CGCN ở nước ta chủ yếu thông qua mua máy móc, trong khi thiết bị, máy móc được mua phần lớn đã lạc hậu 2-3 thế hệ, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế và khả năng làm chủ công nghệ của Việt Nam.
Dây chuyền sản xuất hàng may mặc xuất khẩu hiện đại tại Tổng công ty May 10. Ảnh: Viết Thành |
Ngày 7-11, trong Tờ trình của Chính phủ trước Quốc hội cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội về dự án Luật CGCN (sửa đổi), hai cơ quan này thống nhất cho rằng, sau gần 10 năm thực hiện, Luật CGCN năm 2006 đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập; có nội dung đã lạc hậu, chưa theo kịp xu thế cải cách, đổi mới trong phát triển kinh tế, KHCN.
Đáng chú ý, một số quy định về các biện pháp khuyến khích, thúc đẩy CGCN đã lạc hậu hoặc bị vô hiệu hóa bởi các đạo luật mới liên quan. Một số quy định của Luật cần có hướng dẫn chi tiết và khả thi hơn, phù hợp với các xu thế phát triển mới trong công nghệ và quản lý công nghệ để thực sự thúc đẩy hoạt động đổi mới và CGCN trong các ngành, lĩnh vực và DN.
“Rất cần thiết phải sửa đổi Luật CGCN để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước về phát triển KHCN; coi DN là trung tâm của đổi mới, ứng dụng và CGCN để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của nền kinh tế và bảo vệ môi trường...” - ông Phan Xuân Dũng khẳng định.
Tạo hành lang pháp lý phù hợp
Việc sửa đổi, bổ sung Luật CGCN 2006 được các đại biểu Quốc hội đồng tình ủng hộ, cho rằng cần phải thực hiện càng sớm càng tốt. Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương), tăng trưởng của một quốc gia chỉ có thể được xem là bền vững khi các sản phẩm của nền kinh tế có tỷ trọng hàm lượng tri thức cao. Các kiến tạo được thiết lập trên nền tảng liên kết về công nghệ với những đổi mới sáng tạo trong phát triển ứng dụng các loại vật liệu mới; tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. Muốn vậy phải tham gia vào quá trình phát triển này, nhưng là với tâm thế chủ động và hiểu biết.
Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh cho biết, dự án Luật CGCN được xây dựng trên cơ sở kế thừa các nội dung tiến bộ của Luật CGCN năm 2006, lựa chọn các vấn đề thực sự vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động CGCN trong nước và từ nước ngoài vào Việt Nam.
Dự án luật tập trung vào một số vấn đề như: Phát triển thị trường KHCN; thương mại hóa công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; hỗ trợ, khuyến khích DN ứng dụng, đổi mới công nghệ; tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động CGCN; cơ chế phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với việc thúc đẩy hoạt động chuyển giao, thương mại hóa, ứng dụng và đổi mới công nghệ.
Hàng loạt nội dung mới đã được tích hợp vào dự án Luật CGCN (sửa đổi). Trong đó, đáng chú ý là quy định cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển tổ chức trung gian, nâng cao năng lực nguồn cung và cầu để phát triển thị trường KHCN. Luật cũng quy định việc đưa kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ, đối tượng sở hữu trí tuệ có thể xác định được giá trị làm tài sản bảo đảm trong giao dịch vay vốn đầu tư cho các dự án KHCN, khởi nghiệp công nghệ, phát triển sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, để khuyến khích DN, luật quy định mở rộng nội dung chi của Quỹ Phát triển KHCN của DN... Những vấn đề mới này đòi hỏi phải được xem xét cẩn trọng và kỹ lưỡng; bởi thế, trong chương trình làm việc, Quốc hội sẽ dành hai buổi thảo luận tại tổ và tại hội trường về dự án Luật CGCN (sửa đổi) vào các ngày 11 và 22-11.
Nhân loại đang khởi đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với những cơ hội và thách thức to lớn cho mọi quốc gia, dân tộc, trong đó có Việt Nam. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải đổi mới sáng tạo KHCN trong mọi ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; đầu tư nâng cao năng lực tiếp thu và làm chủ công nghệ, nhất là các công nghệ mới...
Việc sửa đổi Luật CGCN để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước về phát triển KHCN; tạo hành lang pháp lý thuận lợi, phù hợp với tình hình mới sẽ là cơ sở quan trọng đem lại những sức mạnh mới, động lực phát triển cho nền kinh tế Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.