(HNM) - Các bệnh không lây nhiễm được xác định là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại nước ta. Tăng cường dự phòng, phát hiện sớm và quản lý bệnh tại cộng đồng là giải pháp cốt lõi. Thế nhưng, số lượng bệnh nhân mắc bệnh này được phát hiện và quản lý tại cộng đồng vẫn còn hạn chế. Lấp khoảng trống quản lý bệnh không lây nhiễm đang được ngành Y tế cấp bách triển khai.
73% trường hợp tử vong do bệnh không lây nhiễm
Theo báo cáo của Bộ Y tế, bệnh không lây nhiễm đang trở thành nhóm bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trên thế giới, với khoảng 40 triệu người tử vong hằng năm (chiếm 70-75% số ca tử vong trên toàn cầu). Tại Việt Nam, cứ 10 người tử vong, thì có 7 người do mắc bệnh không lây nhiễm, chủ yếu là các bệnh: Tim mạch, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn dẫn chứng, các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân của 73% trường hợp tử vong, trong đó có 40% ca tử vong trước 70 tuổi. Đứng đầu là bệnh tim mạch, chiếm 44%, tiếp đến là bệnh ung thư chiếm 22%, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính chiếm 9% và đái tháo đường chiếm 4% trong tổng số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm.
Theo Tiến sĩ Trương Hồng Sơn, Phó Tổng Thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, chế độ dinh dưỡng kéo theo tình trạng thừa cân, béo phì là một trong những yếu tố làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm. Tại Việt Nam, khoảng 20 năm trở lại đây, tỷ lệ thừa cân, béo phì đã tăng gấp 3 lần. Điều đáng lo ngại, không chỉ ở các thành phố lớn mà tỷ lệ thừa cân, béo phì còn gia tăng ở các vùng nông thôn. Thậm chí, trước đây, tình trạng thừa cân chủ yếu xảy ra ở phụ nữ thì nay xuất hiện ở cả nam giới và trẻ em. Một số nghiên cứu ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, có những trường (nhất là trường tư thục), tỷ lệ béo phì chiếm khoảng 30% (cứ 3 trẻ có 1 trẻ bị thừa cân, béo phì)…
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thẳng thắn cho rằng, nước ta còn đang tập trung vào việc điều trị ca bệnh, chưa đầu tư nhiều cho hoạt động dự phòng yếu tố nguy cơ, phát hiện sớm và quản lý bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng. Cụ thể, trong số khoảng 12 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp hiện nay, có tới gần 60% chưa được phát hiện bệnh và trên 80% chưa được quản lý điều trị. Ngoài ra, trong tổng số hơn 3 triệu người bị đái tháo đường thì có gần 70% chưa được phát hiện bệnh và trên 70% chưa được quản lý điều trị thuốc…
Trạm y tế có vai trò rất quan trọng trong việc dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm, nhưng theo Tiến sĩ Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trên thực tế có rất ít trạm y tế thực hiện nhiệm vụ này. Hiện chỉ có khoảng 19% số bệnh nhân lĩnh thuốc tăng huyết áp và 8% lĩnh thuốc đái tháo đường ở trạm y tế xã, còn đa số đi khám và điều trị ở tuyến trên. Thêm vào đó, các dịch vụ dành cho bệnh không lây nhiễm tại tuyến xã rất hạn chế, phân tán và thiếu kết nối. Chưa đến 15% số trạm y tế xã quản lý điều trị tăng huyết áp, dưới 5% số trạm y tế quản lý điều trị đái tháo đường. Hầu hết trạm y tế xã chưa cung cấp dịch vụ về bệnh ung thư; thiếu cả số lượng và chủng loại thuốc điều trị đặc biệt, năng lực cán bộ y tế cơ sở còn hạn chế…
Củng cố mạng lưới phòng bệnh
Việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ, khám phát hiện sớm, theo dõi liên tục, suốt đời bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm đang được Bộ Y tế triển khai. Mô hình thí điểm quản lý bệnh không lây nhiễm ở 26 trạm y tế xã sẽ tiếp tục nhân rộng thêm 1.000 trạm trên cả nước. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã xây dựng chương trình Sức khỏe Việt Nam, trong đó tăng cường phát hiện sớm người mắc các bệnh không lây nhiễm ngay từ tuyến y tế cơ sở thông qua khám sàng lọc, quản lý, chăm sóc liên tục và lâu dài.
Tiến sĩ Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhấn mạnh đến 4 nhóm giải pháp. Đầu tiên là củng cố mạng lưới phòng bệnh từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện. Đặc biệt, tại tuyến huyện cần có bệnh viện hoặc phòng khám có đủ năng lực chuyên môn để ký hợp đồng bảo hiểm y tế cho trạm y tế xã triển khai dự phòng, phát hiện sớm và quản lý bệnh. Tiếp đến là thực hiện tốt các cơ chế, chính sách về phạm vi hành nghề, bảo hiểm y tế, các quy định, hướng dẫn chuyên môn, danh mục cấp thuốc cho trạm y tế xã. Thứ ba là tăng cường năng lực cho cán bộ y tế cơ sở. Các bệnh viện tuyến trên hỗ trợ kỹ thuật, giám sát, “cầm tay chỉ việc” cho trạm y tế xã theo định kỳ. Cuối cùng, tại tuyến y tế cơ sở cần tập trung triển khai các nội dung truyền thông giáo dục sức khỏe, thay đổi hành vi lối sống, sàng lọc, phát hiện sớm bệnh.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, 80% bệnh nhân bị bệnh tim mạch giai đoạn đầu, đột quỵ; bệnh nhân đái tháo đường týp 2 và trên 40% bệnh nhân ung thư có thể được phòng ngừa thông qua chế độ vận động, ăn uống hợp lý, không hút thuốc lá. Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cũng thông tin, ăn ít rau và trái cây là nguyên nhân của 19% số bệnh nhân ung thư dạ dày, ruột và 31% các bệnh thiếu máu tim cục bộ, 11% số trường hợp đột quỵ. Ăn nhiều muối là nguy cơ của đột quỵ, tăng huyết áp, ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và một số bệnh tim mạch khác... Do đó, mỗi người cần trang bị kiến thức để tự phòng bệnh cho bản thân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.