(HNM) - Những ngày cận Tết cũng là lúc tình trạng mua bán, tàng trữ, vận chuyển hàng lậu, hàng giả diễn ra phức tạp và tinh vi. Tất cả đều bắt nguồn từ lợi nhuận cao, thậm chí là siêu lợi nhuận, nên các đối tượng sẵn sàng vi phạm pháp luật để làm giàu bất chính.
Trước hết, để phòng, chống buôn lậu, nước ta có các lực lượng tổng hợp, gồm: Công an, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường, thuế và hải quan… Từ cửa khẩu tới thị trường nội địa, chợ dân sinh đều có lực lượng kiểm tra, giám sát. Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao khi ra chợ, hàng hóa có nguồn gốc từ biên giới về vẫn có thể mua được dễ dàng? Đặc biệt, với thị trường rộng lớn, đa dạng như Hà Nội, khi hàng lậu đã tràn về, dù có tăng cường bao nhiêu nhân lực thì công tác chống buôn lậu cũng vẫn như “muối bỏ bể”.
Trên thực tế, một lô hàng lậu lớn từ bên kia biên giới để vận chuyển qua cửa khẩu vào nội địa, các đối tượng đầu nậu thường áp dụng chiêu xé lẻ thành từng lô nhỏ, sau đó thuê cư dân biên giới vận chuyển qua cửa khẩu hay đường mòn, lối mở. Lâu nay, ta vẫn đang áp dụng chính sách cư dân biên giới được phép mua, bán lượng hàng hóa dưới 2 triệu đồng không phải đóng thuế. Đây là một kẽ hở để các đầu nậu thuê mướn người dân xách hàng về, sau đó sẽ thu gom, tập kết lại để chở vào sâu trong nội địa.
Nhưng dọc hành trình một chuyến xe hàng về xuôi có rất nhiều trạm chốt kiểm soát giao thông, quản lý thị trường, công an kinh tế. Bằng cách nào các đối tượng trùm sỏ vẫn có thể hợp thức hóa được các loại hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp lô hàng lậu để vận chuyển trót lọt? Đó là những câu hỏi mà các lực lượng được giao nhiệm vụ cần phải có câu trả lời, đúng như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình: “Phải phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả ngay trong chính các cơ quan có chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả”.
Đối với lực lượng chức năng của Hà Nội, để chống buôn lậu hiệu quả, điều cần thiết đầu tiên là phải tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng của thành phố với lực lượng làm nhiệm vụ của trung ương và các tỉnh khác (đặc biệt là các tỉnh biên giới) để nâng cao hơn nữa hiệu quả đấu tranh. Lực lượng liên ngành cũng cần tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường kết hợp với mục tiêu ổn định thị trường, giảm tối đa ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp. Đặc biệt, cần thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; hướng dẫn doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, sản xuất, chất lượng hàng hóa và trách nhiệm đối với công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Mặt khác, để phòng, chống buôn lậu hiệu quả cũng không thể bỏ qua vai trò của người tiêu dùng. Bởi rất nhiều người biết đó là hàng giả, hàng nhái nhưng vẫn chấp nhận. Thậm chí, rất nhiều “thượng đế” cho rằng hàng đó rẻ hơn, tốt hơn nên sẵn sàng sử dụng, không chú ý cũng như không ý kiến với bất kỳ cơ quan quản lý nào. Thói quen mua hàng chi trả bằng tiền mặt, không cần hóa đơn, kể cả với những lô hàng giá trị lớn cũng tạo cho buôn lậu, hàng giả “có đất” sống.
Sớm “bịt” những lỗ hổng về chính sách, xử lý nghiêm các sai phạm, đặc biệt là nghiêm trị những cán bộ thực thi công vụ thoái hóa, biến chất chính là con đường ngắn nhất để dần loại bỏ tình trạng buôn lậu, phá hoại nền kinh tế trong nước.
Phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp cận Tết cũng như lâu dài đều cần được triển khai đồng bộ những giải pháp như vậy thì hiệu quả mới vững bền.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.