Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lao động giúp việc: Cần được công nhận trong danh mục nghề

Bảo Bảo| 25/10/2012 07:50

(HNM) - Hiện nay người giúp việc gia đình chưa được coi là một nghề và chưa được thống kê trong hệ thống lao động quốc gia. Có đến gần 90% người giúp việc gia đình chỉ có hợp đồng miệng với chủ nhà và trong số đó, những người có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là rất ít.


Ảnh minh họa

Tháng 8 và 9-2012, Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng, Heath Bridge Canada đã tiến hành khảo sát tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy có 85% người giúp việc gia đình (NGVGĐ) tốt nghiệp THCS trở xuống, phần lớn là người Kinh với mức lương trung bình 2,7 triệu đồng/tháng. Nhóm cán bộ viên chức, buôn bán kinh doanh nhỏ và hưu trí là 3 nhóm chính sử dụng NGVGĐ. Phần lớn NGVGĐ được tuyển qua trung tâm với mức phí trung bình một lần người sử dụng lao động (NSDLĐ) chi cho giới thiệu việc là 700.000 đồng, NGVGĐ nộp 300.000 đồng; có gần 90% NGVGĐ chỉ có hợp đồng miệng với chủ nhà, hợp đồng bằng văn bản chỉ chiếm 12,4%. Tỷ lệ người có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chiếm 18,2% và họ được hưởng chế độ trước khi làm GVGĐ. Do không có hợp đồng chặt chẽ nên khi xảy ra tranh chấp phần thiệt thòi luôn thuộc về NGVGĐ. Theo kết quả nghiên cứu, hơn 50% NSDLĐ từng có mâu thuẫn, tranh chấp với NGVGĐ. Nguyên nhân chính là do NGVGĐ chưa làm đúng yêu cầu (49,1%), mâu thuẫn trong sinh hoạt (38,6%). Ở TP Hồ Chí Minh 80% NGVGĐ làm việc với mức lương 40.000 đồng/1 giờ, tại Hà Nội giúp việc theo giờ chỉ chiếm khoảng 10-20% với mức lương 30.000 đồng/giờ.

Trước đó, năm 2011, Viện Gia đình và giới cũng đã khảo sát tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Kết quả đưa ra những con số đáng báo động như hơn 30% lao động giúp việc tại gia bị bạo hành; trong đó 27% người lao động từng bị mắng chửi và tát, 0,7% người lao động bị đánh. Nguyên nhân chủ yếu là do NGVGĐ chưa làm đúng yêu cầu của chủ hoặc bị nghi trộm đồ, tiền bạc. Một bộ phận lao động nữ giúp việc gia đình thường xuyên bị tán tỉnh, 0,3% đã từng bị ép phải quan hệ tình dục.

Theo Thạc sĩ Lê Thị Thu, thành viên nhóm khảo sát, mối quan hệ giữa NGVGĐ và NSDLĐ còn nhiều bất cập về văn hóa, kỹ năng, lối sống. Trong khi đó, hiện nay vẫn chưa có cơ quan nào đứng ra quản lý những trung tâm đào tạo môi giới NGVGĐ. Kết quả khảo sát cho thấy có tới 90% NSDLĐ đồng ý với quan điểm lao động giúp việc là một nghề; 71,3% NSDLĐ cho rằng cần thiết đào tạo nghề cho người giúp việc.

Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012 đã bổ sung nhiều quy định như NSDLĐ phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với NGVGĐ. Thời hạn của hợp đồng do hai bên thỏa thuận. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bất kỳ khi nào nhưng phải báo trước 15 ngày. Hai bên thỏa thuận, ghi rõ trong hợp đồng lao động về hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, thời gian làm việc hằng ngày, chỗ ở. Những quy định này được đánh giá là bước tiến vượt bậc của Việt Nam trong việc hoàn thiện chính sách pháp luật bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Theo Thạc sỹ Lê Thị Thu, để những quy định trong luật được thực thi có hiệu quả, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật hướng dẫn những điều khoản thi hành trong luật về NGVGĐ. Đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước với lao động hành nghề này như thống kê định kỳ, kiểm tra giám sát sử dụng lao động, quản lý cơ sở giới thiệu việc làm… và cần phải có những chính sách hỗ trợ bảo đảm quyền lợi cũng như tạo việc làm bền vững cho NGVGĐ.

Xuất phát từ yêu cầu này, dự kiến trong năm 2013, Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng sẽ thực hiện dự án có quy mô lớn nhằm hỗ trợ NGVGĐ theo hướng thành lập các CLB, hỗ trợ các ông bố ở lại quê nhà cách thức chăm sóc nuôi dạy con cái, giữ gìn và phát triển khoản tiền mà người vợ đi làm gửi về. Ở đâu đến, các CLB họp mỗi quý/lần nhằm cung cấp cho NGVGĐ các kỹ năng sống và kỹ năng làm công việc nhà, tự bảo vệ trong tình huống gặp khó khăn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lao động giúp việc: Cần được công nhận trong danh mục nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.