(HNM) - Những năm gần đây, hàng chục địa phương phải tạm dừng đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc do có nhiều người bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp trên nước bạn.
Một lớp học tiếng Hàn cho đối tượng đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. |
Liên tục bị cảnh báo
Đầu tháng 5 vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố danh sách 107 quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bị xem xét tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, trong đó có 49 địa phương phải tạm dừng ngay trong năm 2018. Đứng đầu danh sách là các tỉnh miền Trung như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa… TP Hà Nội có huyện Đan Phượng, Quốc Oai, Thường Tín thuộc diện phải tạm dừng; quận Long Biên, Bắc Từ Liêm, huyện Thanh Oai, Thạch Thất, Ứng Hòa có nguy cơ bị tạm dừng. Nguyên nhân là nhiều lao động tại các địa phương này không chấp hành nghiêm các quy định đã ký kết giữa hai nước, cố tình cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc sau khi hết hợp đồng lao động. Đáng tiếc, đây không phải là lần đầu tiên Hàn Quốc tạm dừng tuyển chọn lao động tại một số địa phương.
Có thể khẳng định, việc tạm dừng tuyển chọn lao động tại các địa phương có nhiều người cư trú bất hợp pháp chỉ là giải pháp bất đắc dĩ. Trong quá trình hợp tác xuất khẩu lao động giữa hai nước, Hàn Quốc luôn coi trọng, đánh giá cao thị trường Việt Nam. Bằng chứng là khi Hàn Quốc triển khai chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) vào năm 2004, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên được chọn tham gia. Hiện tại, mỗi năm, Hàn Quốc vẫn có nhu cầu tuyển chọn từ 5.000 đến 8.000 lao động Việt Nam.
Tiếc rằng, vì nhiều lý do, không ít người tìm cách ở lại Hàn Quốc sau khi hết hợp đồng lao động, buộc phía bạn phải dừng tuyển lao động Việt Nam theo chương trình EPS trong giai đoạn 2012-2016. Để tiếp tục thực hiện chương trình này, ngày 17-5-2016, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ký biên bản ghi nhớ về việc cho phép tiếp tục đưa lao động sang Hàn Quốc với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc. Điều kiện đi đến quyết định này là hạn chế tuyển chọn lao động ở những địa phương có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp cao tại Hàn Quốc. “Trên tinh thần đó, hằng năm, hai nước sẽ rà soát tình hình, số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Địa phương nào có từ 60 người cư trú bất hợp pháp trở lên hoặc chiếm hơn 30% tổng số lao động đi làm việc theo hợp đồng, người lao động tại địa phương đó sẽ bị hạn chế cơ hội đi làm việc tại Hàn Quốc” - ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết.
Trong khi đó, tại thị trường Nhật Bản, hiện tỷ lệ thực tập sinh Việt Nam bỏ trốn ra ngoài làm việc cũng chiếm khoảng 3%. Chính phủ Nhật Bản đã cảnh báo, nếu tỷ lệ bỏ trốn ra ngoài vượt mức 5%, nước này sẽ ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam...
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Phỏng vấn tuyển dụng lao động từng làm việc ở Hàn Quốc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. |
Để hạn chế lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, ngoài việc tạm dừng chỉ tiêu tuyển dụng của địa phương đó, từ năm 2016 đến nay, Việt Nam đã phối hợp với Hàn Quốc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như yêu cầu người lao động ký quỹ với số tiền 100 triệu đồng trước khi xuất cảnh; tuyên truyền, vận động người lao động tự nguyện về nước; hỗ trợ người lao động tái hòa nhập cộng đồng… Những giải pháp này bước đầu mang lại hiệu quả, tỷ lệ lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã giảm xuống và một số địa phương không còn lao động cư trú bất hợp pháp. Ngoài ra, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tăng cường thanh tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động…
Ông Hoàng Danh Lai, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho rằng, việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên là cần thiết, nhưng chưa mang lại hiệu quả bền vững. Mấu chốt là các cơ quan chức năng cần mở đường cho người lao động trở về nước, bằng cách tạo điều kiện cho họ có việc làm phù hợp. Theo anh Nguyễn Danh Hòa, ở xã Tân Hội, huyện Đan Phượng (Hà Nội) - từng làm việc tại Hàn Quốc từ năm 2005 đến năm 2013 - thì người lao động tìm mọi cách ở lại làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc hay các thị trường khác, là vì họ e ngại trở về nước không tìm được việc...”.
Tận dụng nguồn lao động xuất khẩu về nước phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm dành riêng cho đối tượng này. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam cũng ưu tiên tuyển dụng lao động từng làm việc tại xứ Kim chi. Kết quả các phiên giao dịch, hội chợ việc làm cho thấy, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ chuyên môn, tay nghề cao, giỏi tiếng Hàn, vậy nhưng đa số người lao động từ Hàn Quốc trở về chưa đáp ứng được. “Muốn cung - cầu lao động gặp nhau, trước hết người lao động phải tự học, tự hoàn thiện bản thân. Các doanh nghiệp cần quan tâm đào tạo và đào tạo lại cho người lao động” - chị Nguyễn Thanh Huyền, từng làm việc tại Hàn Quốc, hiện là trợ lý Tổng Giám đốc nhân sự Công ty Samsung Bắc Ninh cho biết. Còn ở góc độ quản lý, ông Doãn Mậu Diệp kiến nghị các cơ quan chức năng của Hàn Quốc xử lý nghiêm những doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng người nước ngoài cư trú bất hợp pháp.
Những năm gần đây, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt hơn 100.000 người, vượt xa so với kế hoạch. Việt Nam là thị trường hấp dẫn, đối tác tiềm năng của nhiều quốc gia trong hoạt động xuất khẩu lao động. Do đó, những yếu tố nổi cộm, bất cập trong lĩnh vực xuất khẩu lao động cần được các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết, tháo gỡ.
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện Việt Nam có khoảng 50.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc. Tính đến ngày 31-3-2018, số lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc của các địa phương bị báo động “đỏ” là gần 8.500 người. Cá biệt, 100% người lao động của huyện Tương Dương (Nghệ An), thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh),... hết hạn hợp đồng lao động từ 1-1-2017 nhưng đến 31-3-2018 vẫn chưa về nước. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.