Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lao đao vì bất động sản

Thắng Ngọc| 23/02/2012 07:27

(HNM) - Thời gian gần đây, do thị trường bất động sản (BĐS) trầm lắng, một số ngành sản xuất, kinh doanh (SXKD) như xi măng, sắt thép, gạch ốp lát... đã rơi vào tình trạng đình đốn, có nguy cơ phá sản, nhiều lao động mất việc làm...


Nhiều doanh nghiệp sản xuất thép khó khăn vì không có đầu ra khi thị trường bất động sản “đóng băng”.  Ảnh: Minh Nguyễn

TÍNH đến đầu năm 2012, thị trường BĐS vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc, mặc dù các chủ đầu tư vẫn đang đưa ra nhiều "chiêu" khuyến mãi, giảm giá, nhất là với phân khúc nhà chung cư để thu hút khách hàng. Nguyên nhân khiến thị trường BĐS trầm lắng là do chính sách thắt chặt tín dụng, các nhà đầu tư thiếu vốn để xây dựng, kinh doanh. Mặt khác, giá BĐS đã bị đẩy lên quá cao so với thực tế, nên nhiều người có nhu cầu nhà ở thực lại không có đủ khả năng chi trả. Đó là chưa kể tình trạng kinh doanh theo kiểu chụp giật, nên khách hàng đang trong trạng thái nghe ngóng, chờ đợi giá nhà đất "chạm đáy"? Đại diện một số sàn BĐS trên địa bàn Hà Nội cho biết, năm qua có những sàn giao dịch chỉ thành công được 1-3 vụ và có nhiều khách hàng đến sàn chỉ tham khảo giá chứ không mua. Không ít doanh nghiệp (DN) BĐS cũng cho rằng, thị trường BĐS trong năm 2012 chưa có dấu hiệu khởi sắc, bởi lãi suất ngân hàng vẫn còn ở mức cao… Nếu tình hình tiếp tục như hiện nay, DN buộc phải cấu trúc lại nguồn vốn do những khoản vay hồi đầu năm 2011 sẽ đáo hạn trong quý I và vào quý II-2012. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến lạc quan hơn cho rằng, nếu chính sách được điều chỉnh theo hướng linh hoạt, có chọn lọc cho thị trường BĐS, thì khả năng thị trường này sẽ phục hồi vào quý III hoặc quý IV-2012.

Thị trường BĐS trầm lắng đã kéo theo nhiều ngành SXKD khác bị đình đốn. Đại diện Hiệp hội Thép cho rằng, năm qua sức tiêu thụ thép xây dựng giảm mạnh khiến lượng tồn kho tới hơn 800.000 tấn. Đây là mức tồn kho kỷ lục. Sản lượng thép tiêu thụ vào những tháng cuối năm qua ở mức hơn 320.000 tấn, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thép xây dựng tiêu thụ cả năm 2011 chỉ ở mức 4,6 triệu tấn, giảm gần 6% so với cùng kỳ và năm nay thị trường thép còn tồi tệ hơn do thị trường BĐS chưa có dấu hiệu khởi sắc. Tình hình ngành xi măng cũng không sáng sủa hơn. Năm qua, toàn ngành chỉ tiêu thụ được khoảng 46 triệu tấn, còn cách xa so với mức 55 triệu tấn mà Bộ Xây dựng đã dự báo đầu năm. Mức tiêu thụ giảm, hiệu quả kinh doanh thấp, hầu hết các dự án xi măng được đầu tư bằng nguồn vốn vay, nên DN đang phải dồn sức để trả nợ, làm cho tình hình càng khó khăn hơn. Vì thế, có không ít DN sản xuất xi măng đã nợ xấu ngân hàng tới hàng nghìn tỷ đồng. "Anh cả đỏ" như Tổng Công ty Công nghiệp xi măng năm qua cũng lỗ hơn 230 tỷ đồng. Ngoài ra, các sản phẩm gạch ốp lát cũng tồn kho khoảng hơn 30 triệu mét vuông, tương ứng hơn 2.000 tỷ đồng. Nhiều nhà nhập khẩu đồ nội thất về xây dựng cũng có nguy cơ phá sản vì không tiêu thụ được sản phẩm. Đại diện các DN gạch ốp lát cho biết, ngoài việc "đầu ra" khó khăn do thị trường BĐS trầm lắng, thì tình trạng gạch ốp lát có xuất xứ từ Trung Quốc nhập lậu, gian lận thương mại vào nước ta qua đường biển, đường biên mậu là nguyên nhân góp phần làm thị trường tiêu thụ lẫn các nhà sản xuất vật liệu xây dựng trong nước lâm vào tình thế khó khăn. Mức tồn kho các sản phẩm gạch ốp lát được ngành chức năng ghi nhận tính đến cuối năm 2011 khoảng 30 triệu mét vuông, thì mức tiêu thụ lượng gạch granite lẫn ceramic trong năm qua chỉ bằng 70% so với năm trước. Đặc biệt, gian lận thương mại phổ biến nhất hiện nay xuất hiện dưới hình thức DN nhập khẩu xuất trình hóa đơn mua hàng từ Trung Quốc với giá thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế 50-70%, kê khai số lượng nhập khẩu ít hơn số lượng thực tế, sử dụng hóa đơn quay vòng và hợp thức hóa việc thông quan nấp dưới hình thức "cho nhu cầu sử dụng"... Vì vậy, dù thuế suất nhập khẩu gạch từ Trung Quốc theo đường chính ngạch đang ở mức 25%, nhưng do khai báo thấp, thuế nhập khẩu nhà nước thu về chẳng đáng là bao trên giá trị khai khống của DN nhập khẩu. Tình trạng gian lận thương mại này diễn ra liên tục nhiều năm qua và ngày càng nghiêm trọng đến mức báo động. Điều này làm ngành gạch ốp lát trong nước ngày càng lâm vào tình trạng khó khăn, nhiều DN đang đứng trước nguy cơ phá sản... Sản xuất đình đốn dẫn đến không ít DN xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng phải thu hẹp quy mô, khiến nhiều người lao động mất việc làm. Và đây là những hệ lụy do thị trường BĐS trầm lắng gây ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lao đao vì bất động sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.