Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Lào Cai năm 2019, địa phương nằm ở vị trí trung tâm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, đã diễn ra sáng 20-7 với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Tới dự sự kiện quy mô lớn này còn có hơn 500 đại biểu, trong đó có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.
Với chủ đề “Lào Cai - Điểm đến thành công”, hội nghị có ý nghĩa quan trọng trong việc kiến tạo cơ hội, kết nối các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Lợi thế đặc biệt về hạ tầng giao thông, tiềm năng du lịch
Là cầu nối, cửa ngõ không chỉ của Việt Nam mà cả các nước ASEAN với thị trường tỉnh Vân Nam và miền Tây Nam của Trung Quốc, Lào Cai có hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng, liên quốc tế gồm: Đường bộ cao tốc, đường sắt, đường thủy và tương lai gần có đường hàng không.
Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai có tổng diện tích gần 16 nghìn ha có cơ sở hạ tầng, dịch vụ tương đối đầy đủ và là một trong chín khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm được Chính phủ đầu tư…
Phát biểu tại hội nghị, điểm lại những tiềm năng tự nhiên, văn hóa đặc thù của đất và người Lào Cai, Thủ tướng nêu rõ, Lào Cai là mảnh đất hội tụ, lưu giữ và lan truyền giá trị bản sắc văn hóa, truyền thống lịch sử và di sản đặc sắc của 25 dân tộc anh em vùng núi phía Bắc Việt Nam.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến Sa Pa, vùng đất du lịch đặc trưng của khu vực miền núi phía Bắc, một “thị trấn trong sương” mang vẻ đẹp cuốn hút, hòa quyện giữa thiên nhiên, văn hóa và sắc màu bản địa”, được ví như “Thủ đô mùa hè” của Bắc Bộ.
Phân tích sâu thêm về tiềm năng du lịch của Lào Cai, Thủ tướng nhận xét, bên cạnh các tỉnh duyên hải với những bờ biển hấp dẫn du khách thì Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành thương hiệu du lịch miền núi mang tầm vóc quốc tế.
Theo Thủ tướng, Lào Cai, đặc biệt là Sa Pa, có thể phát triển nhiều sản phẩm du lịch như du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng… Điều may mắn là dù phát triển nhanh nhưng cho đến nay, cơ bản Lào Cai vẫn còn giữ được cảnh quan môi trường đa dạng và trong sạch. Đây sẽ là điều quan trọng tạo nên một điểm du lịch lý tưởng đối với du khách trong và ngoài nước.
Với mục tiêu đó, Thủ tướng nhắc lại năm yêu cầu đặt ra để phát triển du lịch mà cho đến nay chưa địa phương nào trả lời được một cách xuất sắc. Đó là: Làm thế nào để du khách tìm đến Lào Cai đông hơn? Làm sao để du khách tiêu tiền nhiều hơn thay vì có tiền mà không biết tiêu gì? Làm thế nào để khách kể lại câu chuyện du lịch thú vị với người thân, bạn bè một cách đầy hứng khởi, thay vì chê bai, kể xấu về Lào Cai? Và câu hỏi cuối cùng là làm thế nào để du khách quay trở lại sớm nhất có thể chứ không phải một đi không trở lại?
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị, “Lào Cai phải hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững và bao trùm”. Tức là Lào Cai phải đẩy mạnh du lịch nhưng vẫn giữ được cảnh quan tự nhiên, sự đa dạng sinh học, những nét văn hóa bản địa đặc sắc và bảo vệ được môi trường sinh thái, đồng thời mọi đối tượng trong xã hội đều được thụ hưởng thành quả từ phát triển du lịch tương xứng với những gì đã đóng góp.
Không khuyến khích đầu tư khai khoáng ngắn hạn
Không chỉ có du lịch, Thủ tướng cho rằng, Lào Cai có thế mạnh trong công nghiệp chế biến, cụ thể là chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp địa phương.
Đặt ra yêu cầu việc phát triển công nghiệp truyền thống tại địa phương (phôi thép, xi măng, cao lanh, phốt pho vàng, thủy điện, v.v…) phải đảm bảo yếu tố phát triển bền vững, Thủ tướng cũng lưu ý các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại địa phương: “Chính phủ không khuyến khích các nhà đầu tư khai khoáng có tầm nhìn ngắn hạn, sử dụng công nghệ lạc hậu, quy mô khai thác manh mún, nhỏ lẻ mang tính tận thu, đe dọa tính bền vững về môi trường, không đóng góp gì đáng kể cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và cải thiện thu nhập của người dân”.
Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo cần tăng cường chống xuất khẩu lậu khoáng sản. Những dự án khai thác không hiệu quả, không đóng góp gì cho phát triển kinh tế thì cần được thu hồi, hoàn thổ.
Về tiềm năng ngành nông nghiệp của Lào Cai, Thủ tướng nhắc đến bảy loại cây trồng để quy hoạch vùng chuyên canh, gồm: Cây lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, cây dược liệu, rau củ, chè chất lượng cao, cây ăn quả nhiệt đới, cây ăn quả ôn đới và cây hoa. Thủ tướng phân tích rằng, nếu ứng dụng sâu công nghệ và kỹ thuật thì giá trị thu nhập bình quân sẽ đạt từ 120-150 triệu đồng/ha và hoàn toàn có thể nâng lên 200-300 triệu đồng/ha hoặc cao hơn trong vài năm tới .
Thủ tướng gợi ý, sự phát triển nông nghiệp của Lào Cai cần dựa trên ba trụ cột, gồm sản xuất theo mô hình hữu cơ, sạch, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến (công nghệ gen, công nghệ sinh học, công nghệ chế biến…), liên kết chuỗi giá trị và liên kết theo cụm.
Lợi thế kinh tế dựa vào quy mô
Đánh giá thêm về tiềm năng kinh tế cửa khẩu - được kỳ vọng trở thành vùng kinh tế động lực chủ đạo của tỉnh Lào Cai, Thủ tướng cho rằng, hạ tầng điện, nước, viễn thông, internet ở Lào Cai được đánh giá thuộc tốp 10 trong cả nước.
Chỉ đạo về vấn đề này, Thủ tướng đề nghị địa phương phải căn cứ vào tính chất đặc thù là đất rộng, người thưa, địa hình chia cắt để bám sát quan điểm “lợi thế kinh tế dựa vào quy mô”. Lào Cai cần quy hoạch lại, bố trí dân cư một cách hợp lý, tập trung hơn nhằm tăng hiệu quả đầu tư những hạ tầng cơ bản như giao thông, cung cấp điện, nước, viễn thông, internet và chi tiêu cho y tế, giáo dục, và cung cấp dịch vụ công…, nhằm tối đa hóa được lợi ích và hiệu quả đầu tư.
Theo Thủ tướng, tỉnh Lào Cai cần phát huy các sáng kiến mô hình giáo dục tập trung; đồng thời qua đó giúp tăng cường giao thoa về văn hóa, dân tộc, giảm tình trạng cận huyết và tảo hôn gây nguy cơ suy thoái giống nòi.
Thủ tướng đánh giá cao Lào Cai luôn là địa phương nổi bật về tính năng động của lãnh đạo tỉnh; tính minh bạch cao; các chi phí gia nhập thị trường, chi phí thời gian và chi phí không chính thức thấp. Song, Thủ tướng cũng mong muốn tỉnh cần tăng cường cải thiện khả năng tiếp cận đất đai; khả năng tiếp cận thông tin cho doanh nghiệp và chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Cùng với đó là đầu tư hơn nữa vào đào tạo dạy nghề, nâng cao chất lượng lao động tại địa phương.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý đến bài toán liên kết vùng trong chiến lược phát triển và nhấn mạnh đến yếu tố ngẫu nhiên: Các thành phố trung tâm của ba tỉnh Lai Châu, Lào Cai và Hà Giang cùng nằm trên một đường thẳng. Điều này cho thấy một nhu cầu kết nối tất yếu của các địa phương trong vùng để cùng phát huy các lợi thế cạnh tranh.
Gửi những thông điệp tới các nhà đầu tư, Thủ tướng nêu rõ, tất cả những nhà đầu tư đến với Lào Cai nói riêng, Tây Bắc và miền núi nói chung, đều rất đáng trân trọng bởi vùng đất này tuy tiềm năng rất lớn nhưng ở nhiều nơi người dân còn khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu thốn.
Thủ tướng chỉ rõ: “Mỗi một đồng vốn của nhà đầu tư, mỗi một sinh kế, việc làm được tạo ra đều rất quý giá; bên cạnh mục đích kinh doanh là cả một tấm lòng vì xã hội, vì đồng bào, vì đất nước”.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng mong muốn các nhà đầu tư cần phải thực hiện đúng cam kết đầu tư của mình và đóng góp xứng đáng cho kinh tế địa phương, không chỉ giúp tạo công ăn việc làm mà còn phải cải thiện thu nhập, cải thiện năng suất lao động, nâng cao phúc lợi và chia sẻ có trách nhiệm với sinh kế người dân địa phương.
Đặc biệt, Thủ tướng khẳng định, các hành vi gây ô nhiễm môi trường, phá vỡ các giá trị văn hóa dân tộc và lịch sử, sử dụng lao động bất hợp pháp, trốn thuế, v.v… đều không được chào đón và sẽ bị xử lý theo quy định.
Tại hội nghị, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Lào Cai đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 11 đối tác với tổng vốn đầu tư trên 124 nghìn tỷ đồng, tương đương 5,3 tỷ USD. Ngoài ra, tỉnh cũng trao 8 quyết định chủ trương đầu tư các dự án với tổng vốn đầu tư trên 22 nghìn tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD.
Các dự án dự kiến triển khai ngay trong năm 2019 và đầu năm 2020 được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho Lào Cai phát triển toàn diện trong giai đoạn tới.
Cũng trong chuyến công tác tại Lào Cai, nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2019), vào sáng cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác đã đến thăm, tặng quà gia đình bà Trần Thị Don, vợ liệt sĩ Phạm Ngọc Tuy, cư trú tại phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai. Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác đã đến thăm gia đình ông Bùi Xuân Xanh, người thương binh có tỷ lệ thương tật 66% và luôn cùng với gia đình gương mẫu chấp hành các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.