Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Nhóm phóng viên| 27/04/2022 06:28

(HNM) - Trái phiếu doanh nghiệp là một kênh huy động vốn hợp pháp và hiệu quả. Tuy nhiên, thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp xuất hiện tình trạng "vàng thau lẫn lộn" do khung pháp lý còn những lỗ hổng. Do đó, cần nhanh chóng hoàn chỉnh khung khổ luật pháp, giảm nguy cơ thao túng và trục lợi, lành mạnh hóa và nâng cao hiệu quả thị trường trái phiếu doanh nghiệp...

Các doanh nghiệp và nhà đầu tư thị trường trái phiếu doanh nghiệp mong muốn có hành lang pháp lý chặt chẽ, hiệu quả để phát triển lành mạnh.

Cần sự phát triển lành mạnh

Vợ chồng ông Đinh Đức Dương ở đường D4, phường Tân Hưng, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh có 1 tỷ đồng tiền nhàn rỗi mang đi gửi tiết kiệm. Đến ngân hàng, ông được nhân viên giao dịch tư vấn mua trái phiếu doanh nghiệp sẽ có lãi suất cao hơn tiền gửi ngân hàng. “Tôi thấy trái phiếu lãi suất 12%/năm, cao hơn so với mức 6-7%/năm gửi tiết kiệm ngân hàng, lại được rút linh hoạt nên chuyển sang mua trái phiếu doanh nghiệp”, ông Dương cho biết.

Ông Dương là một trong nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ được tổ chức trung gian mời chào huy động vốn cho doanh nghiệp thông qua trái phiếu mà không hề biết rằng đây là hình thức doanh nghiệp tự vay, tự trả, cũng không biết được tiền của mình có được doanh nghiệp dùng đúng mục đích huy động vốn hay không. Họ cũng không biết doanh nghiệp mà mình bỏ tiền “đầu tư” qua trái phiếu hiện đang trong tình trạng thế nào. Dù số vốn họ bỏ ra không thể so sánh với dòng tiền từ các tổ chức tín dụng, nhưng nếu nhận thức của nhà đầu tư nhỏ lẻ không đầy đủ, sẽ dẫn tới những đánh giá tiêu cực về thị trường trái phiếu.

Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ (Trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Thời gian qua, có một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ kiểu "3 không": Không tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán, không bảo hiểm. Ngoài ra, một số doanh nghiệp có năng lực tài chính không tốt; dòng tiền, phương án kinh doanh không khả thi. Dù số lượng doanh nghiệp như thế không nhiều, nhưng có thể khiến thị trường trái phiếu mang tiếng xấu”.

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất non trẻ, mới chỉ hơn 10 năm và chỉ phát triển tương đối nhanh, mạnh trong khoảng 5 năm trở lại đây. Vốn huy động qua thị trường chứng khoán gồm cả cổ phiếu và trái phiếu tương đương 26% tổng lượng vốn cung ứng ra nền kinh tế. Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp chiếm phần nhiều, cổ phiếu là thiểu số. Vì thế, thị trường trái phiếu còn nhiều dư địa phát triển.

“Ước tính giai đoạn 2022-2025, nền kinh tế cần 3,15 triệu tỷ đồng/năm để đầu tư toàn xã hội. Trong khi đó, vốn nhà nước chỉ đáp ứng được 25%-26%, còn lại phải huy động nguồn lực bên ngoài. Thị trường vốn nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng rất quan trọng và cần được phát triển lành mạnh”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhận định.

Hoàn thiện cơ chế quản lý

Theo quy định hiện hành, khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu, thủ tục rất chặt chẽ và phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thẩm định, cho phép. Dòng tiền từ nguồn này được quản lý đúng mục đích sử dụng. Nhưng với trái phiếu riêng lẻ, doanh nghiệp có thể phát hành thoải mái hơn mà không bị ràng buộc bởi các quy định trên.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Luật SBLAW (thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: "Khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ bắt buộc phải có kết luận của tổ chức đánh giá, xếp hạng tín nhiệm. Như vậy, thị trường này sẽ được quản lý để phát triển lành mạnh, chứ không bị gây cản trở”.

Là người đứng đầu doanh nghiệp đang triển khai các kênh huy động vốn tại Sàn giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HoSE), Chủ tịch Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) Nguyễn Thị Mai Thanh cho biết, doanh nghiệp đã có nhiều đợt phát hành cổ phiếu mới ra thị trường. Gần đây nhất là việc phát hành 2 đợt trái phiếu gồm trái phiếu doanh nghiệp có quy mô 1.000 tỷ đồng và 100 triệu USD nhằm huy động vốn cho đầu tư phát triển.

"Các bên mua trái phiếu của REE phần lớn là các quỹ đầu tư, ngân hàng, công ty bảo hiểm… Họ có đủ khả năng, công cụ đánh giá giá trị cổ phiếu của công ty cũng như giám sát dòng tiền. Tuy nhiên, tôi đề xuất cơ quan quản lý vẫn cần tăng cường các quy định chặt chẽ hơn về người chịu trách nhiệm và tài sản thế chấp phải được định danh cũng như có tính thanh khoản cao. Chế tài cũng cần được đặt ra đối với những trường hợp sử dụng vốn từ trái phiếu chệch hướng như thông tin đã được công bố...  Tất cả để thị trường trái phiếu minh bạch và hiệu quả hơn”, bà Nguyễn Thị Mai Thanh nói.

Ở góc độ khác, theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, không nên vì một vài "con sâu làm rầu nồi canh" mà thắt chặt quá mức thị trường trái phiếu Việt Nam. Cần có cơ chế tốt để khai thác hết dư địa của thị trường này, phục vụ phát triển nền kinh tế. “Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo hoàn thiện cơ chế kiểm soát để thị trường phát triển lành mạnh, nhưng không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Đây chính là một trong những động thái để củng cố niềm tin của nhà đầu tư, chủ thể phát hành, tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu phát triển”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực nói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.