(HNM) - Vào tối 18 và 19-2, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam sẽ "khai xuân" bằng 2 đêm nhạc giao hưởng tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Một không khí tràn ngập sức sống với âm nhạc bác học qua sự chỉ huy của nhạc trưởng người Nhật Bản Tetsuji Honna, hứa hẹn sự khởi đầu tuyệt vời cho khán giả trong những ngày Xuân Tân Mão.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân với dàn nhạc giao hưởng. |
Mở đầu chương trình sẽ là Tổ khúc giao hưởng (Suite Symphonique) "Dáng rồng" do nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân sáng tác nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tổ khúc có 4 chương thật hùng tráng và sâu lắng. Chương 1 có tên "Cội nguồn". Tác giả cho biết, ông muốn bằng âm nhạc khơi gợi trí tưởng tượng của khán giả về những nét sơ khai xa xưa ở vùng Đồng bằng sông Hồng. Vì thế, tác giả đã khai thác giai điệu chèo, dân ca quan họ, làm đậm tiết tấu, giúp khán giả thấy được hình ảnh thành Thăng Long xưa với dáng thế uy nghi, hùng tráng. Chương 2 là "Dòng sông hát". Người nghe sẽ cảm nhận được hình ảnh sông Hồng của quá khứ, hiện tại và tương lai. Khi chảy quanh Hà Nội, dòng sông ấy chứng kiến biết bao dấu tích của lịch sử dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân sử dụng âm hưởng của "Du kích sông Thao" - bản nhạc bất hủ của người cha, nhạc sĩ Đỗ Nhuận, về một dòng sông đẹp và đầy chiến tích. Chương thứ 3 với chủ đề "Thần tốc" là những nốt nhạc mạnh mẽ, sắc nhọn, nhắc người nghe nhớ tới chiến tích lừng lẫy năm 1789 của Quang Trung - Nguyễn Huệ. Và chương kết thúc, "Rước", lại là bài ca về tuổi thơ của người Việt với những khúc đồng dao dịu ngọt, đáng yêu. Từ môtíp "Rồng rắn lên mây", nhạc sĩ đã tạo nên hình tượng âm nhạc về một đám rước rồng, tượng trưng cho những lễ nghi thiêng liêng mang hồn dân tộc. Bản tổ khúc giao hưởng này được viết cho một dàn nhạc giao hưởng lớn, có bổ sung thêm bộ gõ của nhạc cụ dân tộc. "Dáng rồng" dài 17 phút, nhưng cũng đủ đầy chất lắng sâu, trữ tình và giàu tính biểu đạt, gợi suy tưởng.
Phần thứ 2 của đêm nhạc là các tác phẩm polonais, polka, valse trữ tình của nhà soạn nhạc thiên tài người Áo Johann Strauss, đã được nhiều thế hệ khán - thính giả yêu thích. Ngoài ra, Dàn nhạc còn đem đến cho khán giả khúc dạo đầu từ vở opera "Russlan và Ludmilla" (M.Glinka) và bản concerto thứ 2 dành cho piano (S.Rachmaninov).
Đặc biệt, hai đêm diễn chào năm mới sẽ có sự góp mặt của nghệ sĩ piano 16 tuổi Isadora Kim (Kim Ji Eun, Hàn Quốc). Hiện cô đang sinh sống và học tập tại TP Hồ Chí Minh. Isadora Kim là “hiện tượng" đặc biệt. Cô không thể hiện tài năng ngay từ nhỏ, cũng không được đào tạo từ các nghệ sĩ, giáo viên nổi tiếng. Khi cùng gia đình đến sống ở Việt Nam, Kim tự tìm hiểu, chơi piano qua các chương trình dạy trên mạng internet. Những ngón đàn của Kim thuyết phục người nghe, không chỉ nhờ sự khổ luyện, ham học hỏi mà còn là bởi năng khiếu cảm thụ âm nhạc tuyệt vời của cô.
Với hai đêm hòa nhạc tuyệt vời, chắc chắn khán giả Thủ đô sẽ có thêm hứng khởi bước vào một mùa xuân mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.