(HNM) - Mỗi năm lãng phí hàng tỷ đô la từ đồng ruộng - thông tin được đưa ra tại hội nghị triển khai đề án tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt (ngày 23-9) khiến một số người giật mình, nhưng với nhiều nhà chuyên môn thì không có gì mới.
Điều này đã được cảnh báo từ nhiều năm trước, nhưng đáng nói là sự lãng phí vẫn diễn ra hằng ngày trên những cánh đồng. Sự lãng phí ấy không chỉ tác động trực tiếp đến túi tiền của người nông dân vốn đã eo hẹp mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy không thể lường trước. Ví dụ sự lãng phí trong việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường đất, mất an toàn thực phẩm...
Thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của nông dân Việt Nam tăng nhanh trong thời gian gần đây. Có "cầu" đương nhiên sẽ có "cung", cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật mọc lên nhan nhản khắp vùng quê. Có dịch bệnh là phun thuốc đã, còn các giải pháp như canh tác kỹ thuật hay biện pháp sinh học… không mấy ai quan tâm, hay nói cách khác là việc của mấy ông bà kỹ sư nông nghiệp. Theo một số liệu thống kê gần đây, 80% thuốc bảo vệ thực vật mà nông dân Việt Nam phun lên cây trồng không đúng đối tượng, chủ yếu ảnh hưởng ra môi trường… Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật không chỉ làm tăng chi phí sản xuất mà còn "đầu độc" người tiêu dùng và môi trường. Theo các chuyên gia về lĩnh vực này, Việt Nam có thể cắt giảm 50% lượng thuốc bảo vệ thực vật mà không ảnh hưởng tới mùa màng.
Một vấn đề nữa không kém bức xúc đó là mỗi năm nông dân Việt Nam tiêu thụ một lượng phân bón tương đương 10 tỷ USD, nhưng sử dụng lãng phí tương đương 2 tỷ USD. Theo một số nhà khoa học, độ pH trong đất ở Việt Nam thấp (dưới 5, thậm chí dưới 2) do vậy, hiệu suất sử dụng phân bón chỉ đạt 40%. Và đương nhiên còn có nhiều nguyên nhân khác. Rồi tình trạng lãng phí lúa giống cũng đang ở mức báo động. Cũng trong hội nghị nêu trên, một doanh nghiệp đưa ra con số: Ở một tỉnh Đồng bằng Bắc bộ, người ta chỉ sử dụng 20-25kg thóc giống cho một hécta lúa, trong khi ở nhiều tỉnh miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long, con số này là 100-200kg. Nếu Đồng bằng sông Cửu Long tiết kiệm được 50% số lúa giống/ha thì mỗi năm cũng có thể dôi ra nửa triệu tấn thóc...
Theo khuyến cáo của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc thì việc sản xuất lúa ở Việt Nam sử dụng quá nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (lượng phân bón của Việt Nam gấp 1,56 lần so với Trung Quốc và gấp 1,5 lần so với Thái Lan). Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến chi phí cho mỗi hécta lúa ở nước ta lên tới hơn 500 USD, trong khi các nước khác chỉ bằng một nửa con số này. Chưa kể đến tổn thất sau thu hoạch rất lớn (chiếm khoảng 13,7%) trong đó tập trung ở khâu sấy và xay xát... Mỗi thứ lãng phí một ít từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đến giống lúa, rồi hao phí sau thu hoạch... dù là "không chết ai", nhưng trên bình diện quốc gia, sự lãng phí ấy lên đến hàng tỷ đô la - một con số không nhỏ, đặc biệt với một đất nước nông nghiệp còn nghèo như Việt Nam.
Nông dân Việt Nam thiệt thòi đủ thứ và đáng buồn hơn họ đang tự làm vơi túi tiền của chính mình bằng việc sử dụng một cách lãng phí nguồn nguyên liệu cho sản xuất nông nghiệp. Hậu quả tiêu cực của việc làm này không chỉ đến với họ mà đến với tất cả người tiêu dùng nông sản Việt Nam. Điều này các cơ quan chức năng nghĩ đến không? Chắc chắn có, nhưng "có" rồi để đấy hoặc làm không đến nơi đến chốn thì cả Nhà nước, nhà nông và người tiêu dùng đều phải chấp nhận thiệt thòi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.