(HNM) - Theo báo cáo của Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội, hiện nay cả nước có 3.355 làng nghề (LN) và làng có nghề, trong đó có gần 400 LN truyền thống thu hút khoảng 12 triệu lao động, ngoài ra còn tạo việc làm cho hàng triệu lao động thời vụ lúc nông nhàn.
Mặc dù giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, nhưng hiện nay LN đang tồn tại nhiều khó khăn như phát triển nhỏ lẻ và thiếu bền vững, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng do hầu hết sản phẩm chưa có thương hiệu, nhãn mác hàng hóa nên sức cạnh tranh kém. Mặt khác, việc thông tin thị trường, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đối với người tiêu dùng còn chưa được quan tâm đúng mức nên mức tiêu thụ chậm. Việc phát triển vùng nguyên liệu ở các địa phương còn chưa mang tính chiến lược, vùng nguyên liệu còn manh mún, nhỏ lẻ nên chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất ở các LN. Do đó, đa phần nguyên liệu sản xuất của các LN phải nhập khẩu dẫn đến giá thành cao. Còn một nguyên nhân nữa, đó là hầu hết DN ở các LN đều ở vào tình trạng thiếu vốn và khó tiếp cận với hệ thống tín dụng để giải quyết nhu cầu này. Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Phú Tuấn (Phú Túc, Phú Xuyên) Nguyễn Văn May cho biết, khó khăn lớn nhất đối với các DN và cơ sở sản xuất hiện nay là thiếu vốn để tái sản xuất. Do lãi suất cao và thời gian vay của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn trong khi nghề mây, tre đan quay vòng vốn chậm (đầu tư khoảng 5 tháng mới thu về giá trị) nên thường bị lỗ vì giá đầu vào tăng khoảng 30% so với các năm trước nhưng giá đầu ra chỉ tăng 10%.
Chủ tịch Hiệp hội LN Việt Nam Lưu Duy Dần cho rằng, tháo gỡ khó khăn về vốn, mặt bằng sản xuất và đẩy mạnh các biện pháp nhằm tiêu thụ sản phẩm cho các LN sẽ góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, nhất là nhiều người mất việc làm ở thành phố, khu công nghiệp trở về làng. Để giải quyết những vấn đề này, các LN cần xây dựng chiến lược thị trường, chiến lược mặt hàng, giữ vững thị trường truyền thống mà mở rộng khai thác thị trường mới. Cải tiến mẫu mã sản phẩm cho đa dạng, phong phú, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của từng thị trường.
Hiện tại, việc xuất khẩu sản phẩm LN ra nước ngoài đang gặp khó khăn do đó các DN nên tập trung vào khai thác thị trường nội địa để người tiêu dùng sử dụng sản phẩm thủ công mỹ nghệ sản xuất trong nước. Cùng với đó, Nhà nước cần tạo điều kiện cho DN được tiếp cận nguồn vốn kích cầu với hỗ trợ 4% lãi suất. Đồng hành với các DN hoạt động trong lĩnh vực này, ngân hàng cần tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ, hướng dẫn DN trong việc thực hiện các thủ tục cần thiết để có thể vay vốn kinh doanh. Các địa phương cần chú trọng quy hoạch vùng trồng nguyên liệu (tre, mây, gỗ) để giảm giá thành đầu vào, hạ giá bán tăng sức cạnh tranh với sản phẩm của các nước có cùng mặt hàng thủ công mỹ nghệ với Việt Nam.
Bên cạnh đó là nâng cao kiến thức quản lý cho các DN về tài chính, tổ chức sản xuất, xây dựng các phương án kinh doanh có hiệu quả. Đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng thợ giỏi cho LN; thực hiện liên kết đào tạo giữa DN tại các LN với cơ sở đào tạo để tạo việc làm cho học viên sau khi kết thúc khóa học. Các DN cần tăng cường hợp tác, liên kết để tăng sức cạnh tranh với các DN nước ngoài tại thị trường xuất khẩu cũng như nội địa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.