(HNM) - Ai lần đầu tiên tới xã nghề điêu khắc Hiền Giang, thuộc huyện Thường Tín đều khó tìm. Nơi đây chỉ có người làm nghề chứ không có người bán đồ làm ra nên không có cảnh tấp nập người mua, kẻ bán như nhiều làng nghề khác.
Và rồi khi "xâm nhập" được vào làng, đằng sau vẻ thanh bình, vắng vẻ ấy là biết bao điều chia sẻ, tâm sự, ấp ủ muốn làm giàu từ nghề truyền thống. Nhưng câu chuyện về vốn, mặt bằng, nhân lực… đang đè nặng, kìm hãm sự phát triển của làng nghề Hiền Giang.
Nghề điêu khắc tại Hiền Giang. |
Làng nghề "teo tóp"
Ông Vũ Thanh Bình, Chủ tịch xã Hiền Giang đánh giá: Mấy năm trở lại đây, kinh tế khó khăn, một số xưởng chuyên điêu khắc đá, gỗ xuất khẩu bí đầu ra, nhiều xưởng đơn đặt hàng giảm tới 50% nên không khí sản xuất ở đây ngày một ảm đảm. Bà con xoay đủ nghề để sống. Xã Hiền Giang có hơn 4.000 nhân khẩu, trước đây có tới 90% số hộ của thôn Nhân Hiền là theo nghề truyền thống và lan tỏa sang cả 3 thôn còn lại. Giờ chỉ có các xưởng "cứng" là còn bám trụ được nhờ có tay nghề cao, uy tín, còn các hộ sản xuất nhỏ lẻ teo tóp hết. Phần vì tay nghề không đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi khắt khe của khách hàng, phần vì ngày công thấp nên nhiều người chuyển nghề khác. Cảnh nhà nhà chồng đục, vợ gọt, tiếng đục canh cách ngay cả khi quá ngọ đang ít dần. Bọn trẻ bây giờ, giỏi hẳn thì học hành thoát ly, làng nhàng thì đi học nghề vào làm ở các nhà máy, xí nghiệp thấp cũng đôi ba triệu một tháng lại biết đây biết đó nên làng nghề rất khó có thợ giỏi - Chủ tịch xã Vũ Thanh Bình cho hay.
Thiếu vốn, thiếu mặt bằng, nhân lực
Giữa trời hè nắng nóng 37 độ, đã quá trưa, anh Nguyễn Thanh Nhàn, Trưởng thôn Nhân Hiền vẫn nhiệt tình làm "hướng dẫn viên" đưa chúng tôi tới thăm các xưởng sản xuất của làng. Thấy chúng tôi có vẻ ái ngại, anh nói, việc chung cả nên vào giờ nào làm giờ đó các chị đừng ngại. Anh Nhàn cho hay, có lẽ chỉ có các chủ xưởng là đời sống ổn, khá giả, còn lại đời sống của đa phần người thợ hết sức vất vả. Ngày làm 8 tiếng như công chức nhà nước thì chẳng ăn thua gì, mà phải tận dụng thời gian sớm khuya. Sáu, bảy giờ sáng là đã phải bắt tay vào việc, đến quá ngọ mà cơm chưa nấu thì chưa được nghỉ, ăn xong, dù nắng nóng 37, 38 độ C cũng phải làm cật lực tới tối. Nhiều phụ nữ làm các công đoạn đơn giản còn tranh thủ làm thêm 1 đến 1,5 giờ buổi tối, vừa làm vừa xem ti vi. Tiếng là làng nghề nhưng đồng tiền kiếm cũng chẳng dễ dàng gì. Mỗi ngày kiếm được dăm chục là quý hóa lắm rồi trong khi đó trăm thứ phải lo: tiền học hành của con, tiền ăn uống hằng ngày, chưa kể là thuốc men, đình đám… đủ cả nên nhìn chung cũng còn khó khăn lắm.
Trưởng thôn Nhân Hiền Nguyễn Thanh Nhàn trầm ngâm, chủ các cơ sở sản xuất đều là anh em trong họ hàng, thân tộc, thấy anh em làm ăn vất vả mình không làm nghề nhưng vẫn thấy lo. Thị trường thì khó nắm bắt, lúc thịnh lúc suy nhưng cái mong mỏi lớn nhất của các cơ sở sản xuất vẫn là vốn, mặt bằng. Các cơ sở sản xuất ở Hiền Giang đa phần đều từ thợ thủ công giỏi, bàn tay vàng, nghệ nhân mà nên, họ là linh hồn, là trụ cột của làng nghề trong mọi giai đoạn. Mà giờ đất đai ở các làng quê cũng lên vùn vụt, trước một vài trăm triệu mua được mảnh đất vài trăm mét vuông làm xưởng, thế là ổn, còn nay đụng vào cũng tiền tỷ cả. Mỗi năm làm ăn tích cóp được vài chục triệu đồng, tưởng to nhưng hóa ra lại rẻ. Thành thử nhà nào nhà ấy vẫn chỉ co ro làm ở góc nhà. Thiếu mặt bằng thì làm sao làm ăn lớn được và cái vòng luẩn quẩn thiếu thốn, chậm phát triển cũng từ đó mà ra.
Anh Đoàn Chúc, chủ xưởng điêu khắc gỗ nổi tiếng ở làng chia sẻ, giờ cái khó nhất của làng nghề là mặt bằng sản xuất, các chuyến hàng đến cả nghìn pho tượng lớn nhỏ khác nhau đều phải dùng xe cải tiến chở ra đầu làng mới bốc lên được ô tô, vất vả đủ bề. Ở Hiền Giang có sự phân loại nghề hết sức cao, các hộ sản xuất nhỏ lẻ hầu như không kiếm được đơn đặt hàng nên đa số đều làm gia công cho các xưởng lớn. Mà các xưởng đều thiếu các thợ tay nghề cao, vì nghề tạc tượng dù là đá hay gỗ thì tạo được diện đẹp (mặt tượng đẹp) không phải ai cũng làm được. Anh Chúc cho hay, trước đây mình cũng chỉ là thợ thủ công bình thường nhưng được các bậc nghệ nhân trong làng dìu dắt rồi chăm chỉ học hành nên tay nghề mới được như ngày hôm nay.
Khi hỏi những người vừa là thợ "vàng" của làng, vừa là chủ các xưởng sản xuất lớn trong xã có mong muốn gì để nghề truyền thống ngày càng phát triển. Họ chỉ cười, mong nhiều quá, thiếu nhiều quá nên giờ chẳng biết phải nói cái gì trước cái gì sau: mong có mặt bằng, mong vốn, mong có lao động chất lượng cao… làng nghề đụng đâu khó đó nên đành như con ong chăm chỉ, cần mẫn, đến đâu hay đến đó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.