(HNMO) - Mỗi chuyến tàu đưa khách đi thăm Trường Sa, điểm dừng cuối cùng thường là nhà giàn DK1. Nhưng không phải cứ đi là có thể đến nhà giàn. Giữa trùng khơi, biển vừa hiền hòa đấy, đã trở sóng, trở gió dữ dội. Những ngày đầu tháng 5-2021, dù chỉ cách nhau chưa đầy 200m, nhưng biển động, sóng to, gió lớn, các thành viên Đoàn công tác số 4 chỉ có thể gửi đến cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/8 Quế Đường những lời chúc tốt đẹp, tình cảm bằng các bài hát về quê hương và biển đảo. Cuộc giao lưu chỉ vỏn vẹn trong khoảng một giờ đồng hồ qua bộ đàm, qua những cánh tay vẫy gọi, nhưng trào dâng trong lòng mỗi người niềm tự hào, sự cảm phục đối với những cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ canh “cột mốc chủ quyền” trên thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
6h sáng, nhà giàn DK1/8 Quế Đường hiện ra hiên ngang giữa biển khơi.
Do điều kiện sóng to, gió lớn, tàu HQ 571 phải neo cách nhà giàn 200m, mọi người ùa ra mũi tàu hướng nhìn lên nhà giàn.
Trưởng đoàn công tác, Chuẩn đô đốc Phan Tuấn Hùng xúc động nói qua bộ đàm: “Hôm nay, Đoàn công tác số 4 đã đến nhà giàn DK1/8 Quế Đường, nhưng do điều kiện sóng to, gió lớn, thời tiết phức tạp, không thể lên thăm các đồng chí được, xin gửi tới các đồng chí tình cảm, niềm tin và hơi ấm đất liền…”
Lá cờ Tổ quốc được giương cao trên boong tàu, hướng về phía nhà giàn.
Từ phía nhà giàn, cán bộ, chiến sĩ cũng phất cờ, đáp lại những cánh tay vẫy của mọi người.
Cô gái xếp tay hình trái tim gửi tới các chiến sĩ bên nhà giàn.
Trong ca bin, người hát, người đọc thơ và trò chuyện với các chiến sĩ nhà giàn qua bộ đàm. Ai cũng rưng rưng nước mắt.
Nhiều thành viên trong đoàn công tác đã bật khóc vì xúc động.
Ba hồi còi chào nhà giàn vang lên, những giọt nước mắt rơi nhiều hơn, những bàn tay vẫy chào nhà giàn giơ cao mãi.
Nhà giàn luôn là một phần máu thịt không thể chia cắt của đất liền và là “cột mốc chủ quyền” trên thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.