(HNM) - Những ngày này, miền Bắc đang trải qua đợt rét đậm nhưng không khí sản xuất, buôn bán ở làng nghề may mặc xã Tam Hiệp (Phúc Thọ) vẫn nhộn nhịp.
Con đường trục chính của làng nối từ quốc lộ 32 vào kéo dài cả kilômét luôn tấp nập người và xe đến giao thương, buôn bán. Hàng trăm đại lý bày bán các sản phẩm quần áo; các kiện hàng được đóng gói ngay ngắn chờ mang đi tiêu thụ. Một không khí sôi động hiếm có vùng nông thôn nào có được.
Khu "phố" buôn bán sản phẩm may mặc nhộn nhịp ở Tam Hiệp. |
Ông Nguyễn Thanh Huân, Bí thư chi bộ 1, Trưởng làng văn hóa Thượng Hiệp vui vẻ dẫn chúng tôi vượt qua khu "phố" bán buôn sầm uất, vào sâu trong các con ngõ nhỏ, nơi mỗi gia đình ở đây chính là một xưởng may mặc với hàng chục công nhân đang miệt mài làm việc. Vừa đi, ông vừa tấm tắc, cả tuyến đường này cách đây hơn chục năm vẫn chỉ là đường đất, hai bên là đồng ruộng, bờ cỏ rậm rạp, ai qua đây cũng sợ, bây giờ đã trở thành phố thị cả rồi. Nhà cao tầng, cửa hàng mọc lên san sát.
Ở Tam Hiệp có hơn 2.000 hộ làm nghề may mặc, trong đó xưởng sản xuất quy mô 30-50 máy may thì xã có 50 xưởng. Chị Hường có thâm niên nghề may mặc gần 20 năm cho biết: "Khởi nghiệp, hai vợ chồng chỉ có 1 chiếc máy may gia công cho các xưởng ở Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm). Nay, gia đình tôi đã tự sản xuất và tiêu thụ sản phẩm". Gia đình chị Hường hiện có 3 xưởng may với 45 máy, giải quyết việc làm cho 30 lao động. Theo chị Hường, sản phẩm may mặc ở Tam Hiệp có lợi thế cạnh tranh về giá, hơn nữa đa phần hộ sản xuất ở đây khá nhanh nhạy trong nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng, chủ động thay đổi kiểu dáng, mẫu mã. Các hộ sản xuất theo mùa, mùa hè may áo chống nắng, áo phông, còn mùa đông may áo phao, áo rét… nên hàng làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
Không những vậy, ở Tam Hiệp giờ có nhiều gia đình bắt kịp với các xu hướng thời trang cao cấp, sản xuất hàng chất lượng cao. Phương thức bán hàng cũng có những thay đổi, gần đây, phát triển bán hàng qua mạng. Không chỉ cung cấp cho thị trường cả nước, làng nghề còn có 7 hộ chuyên làm hàng may mặc xuất khẩu sang Lào và Campuchia.
Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp Nguyễn Đình Tứ cho biết, cả xã Tam Hiệp có 3.200 hộ dân thì
có trên 2.000 hộ tham gia sản xuất hàng may mặc. Nghề phát triển ở cả 5/5 làng, trong đó làng Thượng Hiệp đã được công nhận làng nghề truyền thống. Năm 2014, nghề may mặc ở Tam Hiệp mang về cho địa phương gần 300 tỷ đồng, đóng góp vào 90% cơ cấu thu ngân sách của xã; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 30 triệu đồng, tăng 6,5 triệu đồng so với năm 2013; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn khoảng 1,8%, thấp nhất trong số 23 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Theo kế hoạch, xã Tam Hiệp sẽ hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2015, nhưng hiện xã đã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới, về đích sớm hơn so với kế hoạch một năm.
Khó khăn lớn nhất đối với Tam Hiệp hiện nay là mặt bằng sản xuất. Hiện các hộ vẫn phải sản xuất trong khu dân cư, mặt bằng rất hạn chế. Cách đây hàng chục năm, xã đã quy hoạch khu tiểu thủ công nghiệp làng nghề rộng 20ha để đưa các hộ dân ra sản xuất tập trung, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.