(HNM) - Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:
Mặt trận Tổ quốc, Thanh tra nhân dân phường Phúc La (quận Hà Đông) kiểm tra, giám sát thi công đường Yên Phúc (quận Hà Đông). Ảnh: Hữu Tiệp |
Thực hiện 57 nghìn cuộc giám sát
Sau 5 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TƯ về việc ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và Quyết định số 218-QĐ/TƯ ban hành “Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị (khóa XI), công tác giám sát, phản biện tại TP Hà Nội đã đạt kết quả rõ nét.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Lan Hương cho biết, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tạo mọi điều kiện để MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đặc biệt, vai trò của nhân dân đã được phát huy cao độ. Điều này được thể hiện thông qua con số: Các ban thanh tra nhân dân đã tổ chức hơn 32 nghìn cuộc giám sát; các ban giám sát đầu tư của cộng đồng tổ chức gần 25 nghìn cuộc giám sát các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn; kiến nghị thu hồi hơn 252 nghìn mét vuông đất và hơn 15 tỷ đồng...
Riêng tại huyện Chương Mỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Ngọc Lâm cho biết, các ban thanh tra nhân dân đã giám sát 922 vụ việc; các ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát 611 công trình, dự án... “Thông qua hoạt động giám sát, đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kịp thời ngăn ngừa các vi phạm, sai sót trong quá trình thi công các công trình”, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Ngọc Lâm cho hay.
Từ thực tiễn, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội Trần Thị Phương Hoa khẳng định, việc triển khai giám sát, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền có ý nghĩa quan trọng nhằm thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ. Vì vậy, bên cạnh việc chỉ đạo các cấp hội tham gia 5.509 tổ rà soát thực hiện chính sách người có công với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và thân nhân liệt sĩ tại 584 xã, phường, thị trấn, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố đã tiến hành giám sát việc thực hiện Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, cơ cấu gắn với chất lượng.
Tại quận Hai Bà Trưng, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Đinh Thị Lan Duyên cho biết, từ năm 2017 đến nay, quận đã tổ chức thành công 47 hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp. Qua đó, đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Không để vấn đề nhỏ tích tụ thành bức xúc lớn
Ghi nhận, đánh giá cao những kết quả sau 5 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TƯ, Quyết định số 218-QĐ/TƯ và các quyết định của Thành ủy, song Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung nhận định, công tác giám sát, phản biện xã hội ở một số nơi chưa được chính quyền quan tâm. “MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội chưa chủ trì được nhiều hoạt động giám sát độc lập. Công tác phản biện xã hội chỉ mang tính chất góp ý, chưa tạo hiệu quả rõ rệt”, đồng chí Nguyễn Thị Kim Dung nhận xét.
Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hai Bà Trưng Đinh Thị Lan Duyên cũng cho biết, một số đơn vị còn lúng túng trong việc triển khai thực hiện, chưa xây dựng được chương trình, kế hoạch giám sát cụ thể; chất lượng giám sát, phản biện cũng chưa đạt yêu cầu…
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, các đơn vị đã đề xuất nhiều giải pháp. Trong đó, bên cạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động này, các cấp cần bồi dưỡng nâng cao trình độ và kỹ năng cho cán bộ MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, nhằm đáp ứng tốt nhiệm vụ được giao.
Trên bình diện chung, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của nhân dân thông qua các cuộc đối thoại định kỳ, đột xuất. Đặc biệt là phải rà soát, kiên trì đeo bám và giải quyết dứt điểm những kiến nghị của nhân dân ngay từ cơ sở, không để những vấn đề nhỏ tích tụ thành bức xúc lớn.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cũng lưu ý, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phải thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất tổ chức và giám sát chặt chẽ việc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, quản lý đô thị, môi trường… Qua đó, tạo tiền đề hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.