Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng đẹp bên sông Hồng

Nguyễn Mai| 11/08/2013 06:25

Theo câu ca ấy, chúng tôi tìm về xã Chương Dương, huyện Thường Tín, mảnh đất gắn với những chiến công huy hoàng trong lịch sử, giờ đã trở thành khu dân cư đông đúc, trù phú, với những xóm ngõ yên bình, rợp bóng cây xanh…

Trồng cây ăn quả, phát triển kinh tế gia đình ở thôn Chương Dương.


Chương Dương một thuở lẫy lừng

Men theo đê sông Hồng uốn lượn đẹp như tranh vẽ, nhìn xuống hai bên làng mạc, những vườn cây ăn quả trĩu cành, chúng tôi dừng chân ở bến Chương Dương. Theo các cụ cao tuổi trong làng, mảnh đất Chương Dương ghi dấu chân người cách đây đã hơn 1.000 năm. Trước đây, làng còn có tên gọi là làng Chân Giang (chân chim in dấu trên cát), bởi vùng đất này rất nhiều chim, cò.

Theo chân cán bộ xã Chương Dương Vũ Viết Sỹ, chúng tôi đến gặp cụ Doãn Văn Khôi, người am tường về lịch sử của làng. Cụ kể, bến Chương Dương là nơi diễn ra trận chiến "Chương Dương Độ - Hàm Tử Quan" nổi tiếng trong lịch sử chống quân Nguyên Mông lần thứ hai ngày 7-5-1285 do Thượng tướng Trần Quang Khải và các tướng Trần Quốc Toản, Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp, Nguyễn Truyền... đánh bại cánh quân Nguyên do Toa Đô chỉ huy. Sau chiến thắng này, người dân Chương Dương đã lập ra ngôi đình thờ các vị có công trong trận đánh. Năm 2003, ngôi đình và bến Chương Dương đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Ngoài truyền thống lịch sử, làng Chương Dương còn có nghề buôn bán, nên từ xa xưa kinh tế ở đây đã rất phát triển. Làng cũng có truyền thống hiếu học với nhiều người đỗ đạt trong lịch sử.

Như một kỳ tích

Chương Dương là thôn lớn nhất của xã Chương Dương, với 600 hộ dân. Ngày nay tuy chưa giàu hẳn, song người dân có truyền thống hiếu học, ham làm, đời sống kinh tế ngày một đổi thay. Là vùng quê có nhiều truyền thống quý báu trong lịch sử, người dân Chương Dương đang phát huy truyền thống trong xây dựng nông thôn mới. Đối với việc cưới, việc tang, cũng có cả một bước chuyển dài. "Trong việc tang ở Chương Dương bây giờ người dân đã quen dần với việc hỏa táng. Còn đám cưới, thay vì ăn uống linh đình trong 3 ngày như trước, giờ chỉ gói gọn lại trong một ngày thôi" - Chủ tịch UBND xã Lê Ngọc Đắc cho biết. Bên cạnh những bước chuyển trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, kinh tế của người dân làng Chương Dương nói riêng và xã Chương Dương nói chung cũng có nhiều thay đổi. Cùng với sản xuất nông nghiệp, xã Chương Dương có nghề thêu ren, xây dựng, buôn bán, dịch vụ...; riêng làng Chương Dương có thêm nghề buôn trâu. Cả thôn có 30 hộ chuyên buôn trâu từ miền Trung về làng giết mổ, cung cấp thịt cho khắp các chợ nội thành Hà Nội.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Chương Dương Huỳnh Ngọc Huệ so sánh, nếu đứng ở hiện tại nhìn lại Chương Dương 5 năm về trước thì thấy những thay đổi ở vùng quê này như một kỳ tích. Điều dễ nhận thấy nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ thay vì được đầu tư nhỏ giọt như trước đây. Nếu như giai đoạn 2001-2008, tổng kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng của xã chỉ khoảng 5 tỷ đồng thì từ năm 2008 đến nay, ước đầu tư cho cơ sở hạ tầng đã lên đến 30 tỷ đồng. Riêng với đường giao thông, trước năm 2008, xã Chương Dương chỉ có 50% đường giao thông được bê tông hóa, nay đã nâng lên 95%. Bên cạnh cơ sở hạ tầng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân có sự chuyển biến tích cực. Trợ cấp xã hội ngày một nâng lên và đối tượng hưởng trợ cấp được mở rộng. Trước năm 2008, chi trả trợ cấp xã hội của cả xã chỉ khoảng 40 triệu đồng/tháng, nay tăng lên 150 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, xã đã hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa, đào đắp hơn 7.000m3 đất để xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới. Những con đường mới được triển khai xây dựng như đường thôn Ải Quan, Quán Nhi, các công trình trường học… góp phần tô điểm cho nông thôn mới trên vùng đất đầy ắp chiến công trong lịch sử dựng nước và giữ nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng đẹp bên sông Hồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.