(HNM) - Cứ mỗi sáng, xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng lại có hàng trăm phụ nữ dời làng. Trên chiếc xe máy, xe đạp, họ tất tả ra phố, tất bật quẩy lồng cóc hoặc gánh hàng hoa quả đi khắp các hang cùng ngõ hẻm nơi phố thị.
Nghề "chạy chợ" vốn lắm nỗi nhọc nhằn, truân chuyên đã trở thành nếp quen thuộc ở Thọ Xuân hàng chục năm nay.
Bán cả "cậu ông giời"
Bí thư Chi bộ thôn 8, xã Thọ Xuân - Hoàng Văn Vẽ nói rằng, cụm dân cư số 8 có 200 nóc nhà thì 7 hộ chuyên nghề đi chợ bán cóc. Thường thì họ buôn bán trong nội thành nên sáng đi, tối về nhưng cũng có những hộ làm ăn ở Sơn La, TP Hồ Chí Minh, con cái gửi lại nhà nhờ ông bà trông giúp, lâu lâu mới về. "Về thu nhập của họ thì tôi không nắm được nhưng đời sống thì nhất định đi lên, vì hộ nào chạy chợ, hộ ấy đều có nhà cao, cửa rộng" - ông Vẽ cho biết.
Theo ông Vẽ, người Thọ Xuân "học mót" nghề thịt cóc bên xã Thọ An cách đây hơn chục năm. Dần dà, số hộ sống bằng nghề này ngày càng nở rộ. Tiếc rằng, nay cóc đồng ngày một khan hiếm nên để có hàng, các hộ đầu mối phải nhập từ nơi khác về rồi xé lẻ, nhượng lại cho các hộ đi bán rong trong phố.
Người dân Thọ Xuân mưu sinh từ nghề bán cóc. |
11h, ở cụm dân cư số 8, chợ làng họp ngay trên đường thôn đã vãn, chỉ còn lèo tèo vài hàng rau, thịt. Một số chị em đi chợ cóc trong nội thành đã kết thúc buổi chợ trở về nhà. "Mấy hôm nay hàng khan, không lấy được nhiều. Sớm nay, chỉ nhặt được hơn 2kg cóc, tôi bỏ vào giỏ đi rong ở những khu phố quen thuộc đoạn Cầu Giấy. Gặp khách, họ yêu cầu làm thịt rồi chế biến thành ruốc ngay tại nhà. Hết hàng là về ngay. Từ Hà Nội về đây chỉ một giờ xe chạy" - vừa mua rau, một chị vừa cho biết.
Bà Lâm Ngoan - đầu mối cung cấp cóc thịt cho hàng chục hộ đi bán lẻ cho biết: "Tôi nhập hàng từ miền Nam ra rồi bán cho một số chị em đi bán lẻ. Nghề này cho tôi việc quanh năm, thu nhập tốt hơn nhiều so với làm ruộng". Trước đây, nhà bà Ngoan cũng thịt cóc tại nhà làm ruốc bán. Ruốc cóc là vị thuốc bổ rất quý đối với trẻ em gầy yếu, tuy vậy nó cũng có độc tố. Chính vì vậy mà người làm thịt cóc phải có kinh nghiệm, sự tỉ mỉ, cẩn thận. Mỗi ngày bà thường mang đi chợ 3-7kg, cũng có hôm bán hết, có hôm ế lại chở về rồi mai lại đi. Bà Ngoan cho biết, sẽ vẫn làm cho đến bao giờ không có người mua cóc nữa mới thôi.
Buông tay dầm, cầm tay chèo
Từ xưa, người Thọ Xuân đã có tiếng trong vùng về sự đảm đang, tháo vát. Hầu hết mọi người "buông tay dầm là cầm ngay tay chèo" chứ nhất định không chịu ngồi chơi không. Với những hộ không đi chợ cóc, thì chọn nghề đi chợ buôn bán hoa quả. Đàn ông thì làm mộc, làm nề. Họ tỏa đi khắp nơi để mưu sinh, chỉ những dịp Tết, hội làng mới lại kéo nhau về. Ăn xong, rằm tháng Giêng là ai vào việc nấy, làng quê lại vắng lặng.
Gia đình anh Hoàng Văn Định là một trong số những hộ chuyên buôn hoa quả quy mô lớn ở xã. Để thuận tiện cho công việc, anh đã đầu tư xe ô tô tải nhỏ để chuyên chở hàng từ chợ đầu mối Hoài Đức về quê cung cấp cho các hộ bán lẻ. Gặp chúng tôi khi đã quá trưa, anh Định cười cho biết: "Làm nghề này có thu nhập, nhưng vất vả lắm. Hôm nào 13h nhà tôi cũng mới được ăn cơm trưa và 21h, khi xóm làng đã say trong giấc ngủ thì cả nhà mới ăn bữa tối". Vậy nhưng, trong cái mệt mỏi vẫn toát lên sự phấn chấn trong anh vì dù vất vả bao nhiêu nhưng bù lại, kinh tế gia đình khá vững vàng.
Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Xuân Trần Minh Quân cho biết, địa phương có hơn 200ha đất sản xuất nông nghiệp, đến nay chỉ còn 50ha lúa, diện tích còn lại đã chuyển đổi sang trồng rau, chuối, đu đủ. Lượng nông sản, đặc biệt là hoa quả thu hoạch được chị em chuyển vào các chợ nội đô tiêu thụ hết. Sáng sớm, hàng trăm người lại ra các chợ đầu mối hoa quả của thành phố cân hàng, mua mỗi thứ một ít và đi bán rong hoặc ngồi chợ bán lẻ. Mùa nào thức ấy, trung bình mỗi ngày, mỗi người bán được vài chục cân hàng, thu về 100.000 - 200.000 đồng tiền lãi.
Hết hàng lúc nào, họ lại tất tả về quê luôn. Trong khi đó, cánh đàn ông trai tráng thì theo các nghề thợ mộc, thợ nề… Chẳng vậy mà ở Thọ Xuân, những người có sức lao động thì không ai thất nghiệp. Chăm chỉ, chịu khó nên nhà cửa của họ đều khang trang, to đẹp. Đến thời điểm hiện nay, Thọ Xuân đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đang đề nghị huyện và thành phố thẩm định để công nhận xã nông thôn mới trong năm 2015.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.