(HNM) - Trong khi chính quyền và nhân dân Thủ đô đang ra sức bảo vệ di sản, mỗi năm đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho việc tu bổ, tôn tạo các di tích và kêu gọi bảo tồn các ngôi biệt thự cổ trong nội thành thì ở vùng trũng Phú Xuyên (Hà Nội) lại có một “làng biệt thự cổ” đang biến thành phế tích.
Hãy cứu lấy làng biệt thự cổ có vẻ đẹp kiến trúc hiếm thấy này để những công trình lưu dấu ấn lịch sử một thời sống mãi với thời gian, trở thành điểm đến du lịch văn hóa gắn với chuỗi du lịch làng nghề đã được hình thành là điều người dân Vân Từ mong mỏi.
Ngôi làng có một không hai
Chỉ cách trung tâm Hà Nội chừng 40km, song không nhiều người biết đến làng Cựu, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, nơi có hàng chục ngôi biệt thự mang phong cách kiến trúc Pháp bị rơi vào quên lãng. Người dân làng Cựu nói vui rằng, về đây nhiều nhất là sinh viên các trường kiến trúc, mỹ thuật, sau đó là nhà báo, chỉ chưa thấy cán bộ cơ quan chức năng nào về tìm hiểu và xây dựng phương án bảo tồn như với làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây) hay Cự Đà (Thanh Oai). Cảm nhận chung của du khách khi đặt chân đến ngôi làng độc đáo này là bất ngờ, thích thú như vừa khám phá một điều mới mẻ nhưng rồi lại bâng khuâng, tiếc nuối trước sự xuống cấp của hầu hết những ngôi nhà mà họ vừa biết đến.
Những kiến trúc cổ còn lại của làng Cựu (Phú Xuyên). |
Làng Cựu nằm bên bờ sông Nhuệ, trước những năm 1920 của thế kỷ trước cũng nghèo và lạc hậu như nhiều vùng nông thôn khác. Sau đó, một vụ hỏa hoạn thiêu rụi nửa làng buộc những người nông dân khốn khó phải tỏa đi tứ xứ kiếm kế sinh nhai, khi có tiền, họ về quê xây nhà và từ đó làng được “khoác áo mới”. Hàng chục ngôi biệt thự làng Cựu được xây dựng trong thời gian từ 1930 đến 1945 với kiểu kiến trúc vòm cuốn, mái chảy, gỗ lim, ngói mũi, xây bằng mật ong trộn muối. Các chi tiết nhỏ trong mỗi biệt thự đều được trạm trổ cầu kỳ hình hoa lá, hạc, phượng... Không chỉ trang trí cầu kỳ bên trong mà các gia đình giàu có ngày ấy cũng để ý đến việc bài trí phía ngoài. Thềm lát đá xanh, các bể nước vẽ nhiều họa tiết, cổng hình các con vật như tôm, dơi, nghê, hươu, nai…
Nhà ông Xã Vình, một nhà buôn gỗ, là một trong những biệt thự cầu kỳ nhất. Lối ngõ thênh thang lát đá tảng xanh, hai tòa nhà ở hai bên nối với nhau bằng cầu bê tông uốn lượn, cổng được trang trí “sơn thủy hữu tình”. Nhà của cụ Hàn Thăng thì mang dáng dấp đại quan, mái cổ, cửa bức bàn, cột gỗ lim to, nền nhà tôn cao, sân thấp mà rộng, tòa ngang dãy dọc như ở chốn “tam cung lục viện”. Còn biệt thự khổng lồ của ông Chu Văn Luận được ông xây làm Trường Huỳnh Thúc Kháng với nguyện vọng chắp cánh ước mơ cho con em làng Cựu học giỏi, về xây dựng cho quê hương, đất nước. Cổng làng cũng là điểm nhấn kiến trúc của làng. Cổng xây cao 3 tòa tháp, trên có nậm rượu, nụ hoa, bên cạnh có điếm canh để bảo vệ an ninh cho dân làng…
Đang kêu cứu
Dọc làng Cựu, thậm chí đi sâu vào các ngõ, đâu đâu cũng thấy sự hiện diện của những ngôi biệt thự cổ. Ngoài nét kiến trúc tinh tế, những ngôi biệt thự cùng có một điểm chung khác là xuống cấp theo thời gian. Những mảng tường bong tróc, những chi tiết bằng gỗ bị mối mọt, cỏ mọc lút lối đi…
Ngay ngôi biệt thự to nhất là Trường Huỳnh Thúc Kháng của ông Chu Văn Luận nay toang hoang, trống trải. Biệt thự nhà ông Chánh Linh bị chia cho năm bảy hộ, thế rồi người ta phá hết. Chiếc bể cảnh với những hoa văn tuyệt mỹ, bên trong có hòn non bộ cùng với tấm bình phong linh thiêng trước căn biệt thự bề thế của ông Nguyễn Ngọc Du nay chỉ còn trong hoài niệm. Nét độc đáo của ngôi làng là những ngõ nhỏ lát đá xanh, những tảng đá lớn, dày, mát lạnh, rất phù hợp với không gian cổ kính của làng dần thay bằng những con đường bê tông. Cổng làng vẫn còn song ít được chăm chút nên cỏ mọc ken dày. Tấm biển “Xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, thôn Cựu” tróc sơn lỗ chỗ, lủng lẳng trên cổng vì bị tuột đinh cũng không được treo lại.
Ông Trần Đức Tiến, Bí thư Chi bộ thôn Cựu lý giải: Sau năm 1945, chủ nhân của những ngôi biệt thự này ly tán khắp nơi, người ở Hà Nội, người phát triển nghề may vào tận Sài Gòn - Chợ Lớn, cũng có người sang Mỹ, Pháp làm ăn. Hiện ở làng chỉ có hơn 100 hộ, với hơn 600 nhân khẩu, sinh sống bằng nghề nông nên không có tiền đầu tư chống lại sự xuống cấp của những ngôi nhà là niềm tự hào của người dân. Hơn thế, 1/3 trong số gần 100 ngôi biệt thự cổ của làng hiện bị bỏ không, thỉnh thoảng mới có người đến quét dọn, nhưng cũng có nhà mấy hộ cùng sở hữu, bán đi bán lại nhiều lần, mạnh ai người ấy làm, cải tạo theo ý riêng khiến cảnh quan, không gian kiến trúc cổ ít nhiều bị biến dạng hoặc mất đi.
Ông Tiến cho biết thêm, nhân dân làng Cựu rất có ý thức trong việc bảo tồn những ngôi biệt thự cổ, bằng chứng là nhân dân đã tự nguyện đóng góp được hơn 700 triệu đồng cho dự án tu bổ căn biệt thự là Trường Huỳnh Thúc Kháng làm nơi tụ họp, sinh hoạt văn hóa cho dân. Cái khó đã bó cái khôn, thế mà đến thời điểm này, các cơ quan hữu quan chưa có bất kỳ hướng dẫn nào về việc bảo tồn, trùng tu những ngôi biệt thự cổ để người dân có căn cứ thực hiện.
Đem việc này trao đổi với ông Nguyễn Cát Khoa, Trưởng phòng VH-TT huyện Phú Xuyên, ông cho biết: Phòng chưa từng nhận được đề nghị quan tâm tới những căn biệt thự nào từ làng Cựu hay xã Vân Từ. Tuy vậy, trong thời gian tới, phòng sẽ cử cán bộ xuống đánh giá thực trạng, đồng thời nghiên cứu giá trị văn hóa, kiến trúc của làng. Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu, Phòng VH-TT huyện sẽ xây dựng phương án bảo tồn, tôn tạo và trình lên các cơ quan cấp trên với tinh thần tôn trọng những gì thuộc về lịch sử, chỉ chống lại sự xuống cấp mà thôi.
Niềm tự hào của một thời không xa, ở một nơi không xa, thế mà xa cơ quan chức năng đến thế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.