(HNMO) - Sáng nay (2-7), tại di tích nhà tù Hỏa Lò, các nhân chứng lịch sử, nhà văn hóa và nhiều cựu chiến binh Mỹ đã dự khai mạc trưng bày chuyên đề “Nhật ký hòa bình” để cùng ôn lại ký ức lịch sử và lan tỏa thông điệp hòa bình, hữu nghị, hướng tới tương lai.
Câu chuyện về hòa bình
Lần thứ 30 trở lại nhà tù Hỏa Lò để tìm kiếm ký ức về cha, ông Thomas Eugene Wiber - con trai của Đại tá hải quân Walter Eugene (cựu phi công Mỹ từng bị giam tại nhà tù Hỏa Lò), vẫn không giấu được sự xúc động. Ông nói, Hà Nội là mảnh đất thiêng liêng đối với ông, vì nơi đây vẫn lưu giữ nhiều kỷ vật, hình ảnh về cha ông. Nhà tù Hỏa Lò cũng trở thành địa chỉ thân thiết với người đàn ông Mỹ này, mỗi năm, ông thường trở lại thăm ít nhất một lần.
Lần này, nhà tù Hỏa Lò tổ chức trưng bày chuyên đề “Nhật ký hòa bình” hướng tới kỷ niệm 20 năm Thủ đô Hà Nội được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO) trao tặng danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” (16/7/1999 - 16/7/2019)..., ông Thomas Eugene một lần nữa được xem lại nhiều tư liệu bằng hình ảnh, hiện vật quý của cha mình và nhiều cựu tù khác.
Hàng trăm hình ảnh tư liệu quý giá đã khắc họa rõ nét quá trình đấu tranh vì hòa bình của nhân dân trên khắp thế giới trong quá khứ và cả hiện tại. Thông điệp “Không bao giờ là quá muộn cho hòa bình; Hà Nội - Thành phố vì hòa bình” được thể hiện sâu đậm và rõ nét tại trưng bày.
“Hòa bình là thông điệp có giá trị lan tỏa mà nhân dân trên khắp hành tinh này hướng tới, chung tay bảo vệ. Thông điệp đó cũng rất phù hợp với sự kiện kỷ niệm 20 năm Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình sắp diễn ra. Chúng ta nhìn lại quá khứ để thêm yêu, trân trọng hiện tại, cùng nhau xây dựng tương lai hữu hảo, đoàn kết, hướng tới một cuộc sống tươi đẹp, văn minh và an toàn”, ông Thomas Eugene Wiber bày tỏ.
Có mặt tại không gian trưng bày từ sớm, ông Robert Preston Chenoweth, một trong những phi công Mỹ từng bị giam trong các trại tạm giam ở miền Bắc Việt Nam, trong đó có nhà tù Hỏa Lò (1968 - 1973), lặng người khá lâu khi xem lại những hình ảnh, kỷ vật về cuộc chiến tranh từng diễn ra tại Việt Nam. Đây là lần thứ ba Robert Chenoweth đến nhà tù Hỏa Lò. Đồng hành cùng ông trong chuyến trở lại Việt Nam lần này có con trai ông - Sean, sinh viên một trường đại học tại bang Idaho.
Robert P.Chenoweth bị giam ở nhà tù Hỏa Lò vào đúng những ngày Mỹ ném bom B52 xuống Hà Nội. Thời gian ở Hỏa Lò tuy ngắn, nhưng khi chứng kiến sự đấu tranh dũng cảm của người dân Hà Nội, người lính Mỹ đã thay đổi hoàn toàn nhận thức về cuộc chiến. Trở về Mỹ năm 1973, Robert P.Chenoweth bắt đầu tham gia các phong trào phản chiến, đấu tranh vì hòa bình.
“Nhìn lại những bức ảnh tư liệu, tôi rất xúc động, bởi nó gợi nhớ một phần ký ức của tôi về cuộc chiến tại Việt Nam. Tôi đưa con trai tới Việt Nam lần này để con thêm hiểu về những câu chuyện trong quá khứ, từ đó thêm hiểu hơn về giá trị của hòa bình mà nhân dân hai nước nói riêng và nhân dân toàn thế giới đang gìn giữ”, ông Robert P.Chenoweth xúc động nói.
Hà Nội - Điểm sáng của khát vọng hòa bình
Tại trưng bày “Nhật ký hòa bình” còn có nội dung trưng bày “Hà Nội - Thành phố vì hòa bình”. Người xem dễ dàng nhận thấy những đóng góp không nhỏ của Thủ đô Hà Nội vào nỗ lực chung của cả nước để gìn giữ hòa bình, xây dựng, phát triển đất nước giàu đẹp.
Bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam khẳng định, Hà Nội là Thủ đô nghìn năm văn hiến. Trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, Hà Nội vẫn là điểm sáng thể hiện khát vọng hòa bình, tinh thần đấu tranh vì hòa bình của dân tộc. Trong thời bình, Hà Nội phát triển vững mạnh, đổi thay từng ngày. Nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội trong việc xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, thân thiện, mến khách… đã cho thấy khát vọng vươn lên, niềm yêu chuộng hòa bình của người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung.
Bà Kellee Farmer, Tùy viên văn hóa của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam bày tỏ, Hà Nội - Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đó là lý do Hà Nội xứng đáng được vinh danh là Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình. Thông điệp hòa bình mà Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đang thực hiện đã giúp nhân dân hai nước khép lại quá khứ, mở ra mối quan hệ mới tốt đẹp, hướng tới tương lai hợp tác, cùng phát triển.
Hai mươi năm sau khi được UNESCO trao tặng danh hiệu “Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình”, Hà Nội tiếp tục nỗ lực chuyển mình, không chỉ là thành phố năng động, mà còn tạo dựng được môi trường sống yên bình, cởi mở, phát triển. Ngày hôm nay, danh hiệu cao quý này vừa là động lực, vừa là thách thức để Hà Nội phấn đấu không ngừng, chung tay góp sức vì một thế giới hòa bình, nền tảng vững chắc cho tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.