Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lan tỏa thông điệp bằng hành động thiết thực

Mai Lâm| 02/04/2023 14:19

(HNMCT) - Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chỉ trong 1 giờ tắt đèn hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2023 (từ 20h30 - 21h30 ngày 25-3-2023), cả nước đã tiết kiệm được 298.000 kWh điện (khoảng 555,6 triệu đồng). Đây là một con số rất có ý nghĩa không chỉ về kinh tế và cũng mới chỉ là khởi điểm để mỗi gia đình, tổ chức, doanh nghiệp nâng cao ý thức cùng xây dựng thói quen tiết kiệm điện.

Được biết, thông điệp Giờ Trái đất năm nay là “Tiết kiệm điện - Thành thói quen” cũng chính là thông điệp nêu ra tại Chỉ thị 20 về việc tăng cường tiết kiệm điện, giai đoạn 2020 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ. Tại lễ phát động hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất diễn ra tối 25-3, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đã kêu gọi người dân, các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp tích cực tham gia bằng những hành động cụ thể, như: Tắt các thiết bị điện không cần thiết; nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi; tuyên truyền, tôn vinh những mô hình, điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường...

Còn Sở Công Thương Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã tổ chức phát động hội nghị cao điểm hè về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Thành phố Hà Nội sẽ vận động các doanh nghiệp tham gia tiết giảm phụ tải; vận động các cơ sở kinh doanh thương mại và dịch vụ, doanh nghiệp sản xuất, cơ quan, công sở, tòa nhà văn phòng, trường học, bệnh viện, các tổ chức, cá nhân quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng trên địa bàn tiết giảm sử dụng điện, đặc biệt là trong dịp cao điểm hè... Thông điệp đưa ra rất rõ ràng, mỗi người, tổ chức, đơn vị không chỉ tắt đèn và thiết bị điện không cần thiết trong 1 giờ mà trong cả 365 ngày, hình thành thói quen tiết kiệm, không chỉ cho gia đình mà cả xã hội.

Nói thì dễ, để hình thành một thói quen tốt, có lợi thì không hề đơn giản. Chẳng nói đâu xa, tại không ít tòa nhà, thiết bị chiếu sáng vẫn được sử dụng để quảng bá hình ảnh vào ban đêm. Vẫn biết, việc quảng bá hình ảnh, thương hiệu để nhiều người biết tới để sản xuất, kinh doanh hiệu quả là chuyện bình thường, đó cũng là quyền của mỗi cá nhân, đơn vị, miễn là thanh toán hóa đơn điện đầy đủ. Tuy nhiên, nếu việc sử dụng ánh sáng trong khung giờ nhất định, với cường độ phù hợp thì sẽ có lợi hơn, nhất là với xã hội. Điều đó còn có thể giúp người tham gia giao thông đỡ phân tâm khi đang điều khiển phương tiện trên đường.

Tương tự, hệ thống chiếu sáng tại các công viên, vườn hoa, quảng trường cũng cần tính toán giảm công suất, cường độ vào những khung giờ nhất định, tất nhiên là vẫn phải bảo đảm an ninh, an toàn tối thiểu tại khu vực... Tại căn hộ chung cư tôi đang sống, không ít cư dân đã chủ động kiến nghị Ban Quản lý tắt 50% số bóng đèn chiếu sáng hành lang sau 23h mỗi ngày dù việc bật toàn bộ đèn hành lang không ảnh hưởng gì tới cuộc sống sau cánh cửa của mỗi gia đình. Đó là kiến nghị rất đáng hoan nghênh, dẫu rằng người dân chẳng hề được giảm khoản phí dịch vụ phải đóng hằng tháng. Nếu toàn bộ chung cư trên địa bàn thành phố cũng thực hiện việc làm tương tự, chắc hẳn, sản lượng điện tiết kiệm hằng năm sẽ không hề nhỏ.

Không quá nếu nói việc sử dụng năng lượng tại các tòa nhà lớn, cơ quan công sở, nơi công cộng như một tấm gương để mỗi người nhìn vào, làm theo. Thiết nghĩ, việc biểu dương, khen thưởng những nơi có sử dụng lượng điện lớn nhưng đã tiên phong trong việc tiết kiệm điện cũng là giải pháp thiết thực, hiệu quả để lan tỏa thông điệp “Tiết kiệm điện - Thành thói quen” tới mỗi người dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa thông điệp bằng hành động thiết thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.