(HNM) - Tết đến, xuân về là dịp mỗi gia đình quây quần, sum họp, cùng nhau nhìn lại một năm cũ và chia sẻ những dự định cho năm mới. Với những công nhân đi làm xa nhà, khoảng thời gian này càng có ý nghĩa đặc biệt hơn khi họ được trở về đoàn tụ cùng người thân. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện như vậy nếu như không có sự chung tay của toàn xã hội.
Với ý nghĩa “lá lành đùm lá rách”, chương trình “Tết sum vầy” được tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội năm 2015, trở thành hoạt động có ý nghĩa thiết thực, thể hiện tính nhân văn sâu sắc của dân tộc ta; đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tổ chức công đoàn với công đoàn viên và người lao động, nhất là công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, làm việc xa nhà. “Tết sum vầy” nay đã trở thành hoạt động thường niên dịp Tết, mang lại niềm vui cho hàng triệu gia đình.
Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đang đến gần, với phương châm “không để bất cứ gia đình công nhân, người lao động nào không có Tết”, các cấp công đoàn trong cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực, tạo khí thế tươi vui, phấn khởi cho công nhân lao động. Tính đến ngày 23-1, đã có gần 1,7 triệu lượt đoàn viên, người lao động được hỗ trợ Tết với tổng số tiền trên 1.434 tỷ đồng.
Với riêng TP Hà Nội, chương trình “Tết sum vầy năm 2019” được tổ chức với quy mô từ cơ sở tới cấp thành phố, qua đó khẳng định rõ vai trò tổ chức công đoàn là “Tổ ấm”, là người đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích đoàn viên, người lao động. Tại chương trình “Tết sum vầy 2019” do Liên đoàn Lao động TP Hà Nội tổ chức sáng 26-1, gần 6.900 suất quà, 1.600 vé xe đưa công nhân về quê ăn Tết miễn phí được trao…, một lần nữa khẳng định việc Hà Nội luôn đi đầu trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội, trong đó có việc quan tâm đến quyền lợi của anh chị em công nhân và người lao động.
Những món quà từ “Tết sum vầy” lan tỏa nghĩa tình, mang lại tình cảm ấm áp cho anh chị em công nhân, người lao động. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để đời sống của công nhân ngày càng tốt hơn, có đóng góp tích cực hơn nữa cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp… rõ ràng là bài toán còn nhiều trăn trở. Ngoài ra, vai trò tập hợp công nhân cũng sẽ phải đổi mới thế nào trong bối cảnh Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam là thành viên đã chính thức có hiệu lực từ ngày 14-1-2019.
Trước hết, đội ngũ công nhân, người lao động Thủ đô cần không ngừng nâng cao trình độ cả về học vấn và tay nghề; nâng cao khả năng tiếp cận, ứng dụng khoa học và công nghệ vào công việc của mình; phát huy tính năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất vì sự phát triển của doanh nghiệp và vì lợi ích của bản thân. Mặt khác, các chủ doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến công nhân, từ việc nâng cao trình độ tay nghề đến chăm lo đời sống... để xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Cùng với đó, các cấp Công đoàn Thủ đô cần chủ động tìm tòi, đổi mới phương thức hoạt động, tiếp tục chăm lo tốt hơn cho các đoàn viên, công nhân, lao động; nhất là thực hiện tốt các chính sách phúc lợi, để người lao động yên tâm làm việc, cống hiến và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Chính quyền, doanh nghiệp cần quan tâm thực hiện tốt hơn chính sách nhà ở xã hội, xây dựng hạ tầng an sinh xã hội (nhà trẻ, trường học, bệnh viện, chợ, siêu thị…) và các thiết chế văn hóa khác để công nhân yên tâm sản xuất, có điều kiện tái sản xuất sức lao động một cách tốt nhất.
…Những tia nắng ấm trước thềm xuân đang lan tỏa, mong sao mọi anh chị em công nhân, người lao động luôn nhìn về năm mới Kỷ Hợi với ước mong những điều tốt đẹp hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.