Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lan tỏa nét đẹp văn hóa ứng xử

Thanh Thủy| 26/08/2018 06:34

LTS: Gần 2 năm đi vào cuộc sống, Quy tắc ứng xử nơi công cộng và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị thuộc TP Hà Nội đã mang lại nhiều đổi thay tích cực cho người dân Thủ đô.

Phong trào“Lời nói hay, việc làm tốt, phong cách đẹp” của quận Hoàn Kiếm góp phần làm lan tỏa nét đẹp văn hóa ứng xử. Ảnh: Thanh Hải


Bài đầu: Bồi đắp văn hóa người Hà Nội

Sau khi thí điểm tại 4 xã, phường vào đầu năm 2017, hệ thống Quy tắc ứng xử đã chính thức được lan tỏa tới mọi thôn, làng, tổ dân phố trên toàn thành phố. Những kết quả ban đầu cùng những tồn tại, hạn chế trong quá trình đưa hệ thống Quy tắc ứng xử vào cuộc sống vừa là cơ hội vừa là thách thức với người dân Thủ đô trong việc củng cố văn hóa ứng xử, bồi đắp người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Những chuyển biến ban đầu

Nằm trong chương trình hành động lớn với hàng loạt nhiệm vụ, vì mục tiêu “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” (Chương trình 04-CTr/TU), vấn đề xây dựng văn hóa người Hà Nội mà trọng tâm là văn hóa ứng xử nhận được sự quan tâm, vào cuộc của các cấp lãnh đạo thành phố, sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo người dân. Hàng loạt phong trào, mô hình, cuộc vận động được triển khai từ thành phố tới cơ sở, như: Phong trào “Lời nói hay, việc làm tốt, phong cách đẹp”, “Tuần lễ áo dài xuống phố, áo dài đi chợ” của quận Hoàn Kiếm; mô hình “Tổ dân phố không rác”, “Đoạn đường tự quản văn minh” quận Tây Hồ… cho thấy sự hưởng ứng không chỉ dừng lại ở những bản cam kết hay lời hứa suông.

Đặc biệt, sự lan tỏa của hai Quy tắc ứng xử trong đời sống cộng đồng với nhiều cách làm hay, sáng tạo đã khẳng định quyết tâm của nhân dân Thủ đô trong việc đẩy lùi hành động thiếu ý thức, từng bước củng cố, bồi đắp văn hóa ứng xử. Hơn 30.000 sổ tay Quy tắc ứng xử được phát hành; hàng nghìn tin, bài, chuyên trang, chuyên mục về thực hiện Quy tắc ứng xử được đăng tải; hàng chục buổi tọa đàm, trao đổi, hội thi được tổ chức; hàng vạn văn bản về ứng xử được niêm yết… đã góp phần nâng cao chất lượng tuyên truyền từ thành phố tới cơ sở.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền cho biết, đã có những chuyển động rõ ràng, tích cực trong đời sống xã hội sau sự ra đời của Quy tắc ứng xử. Nếu như, việc niêm yết công khai, rõ ràng các quy định, đường dây nóng tại công sở giúp người dân dễ dàng liên hệ, phản ánh với lãnh đạo khi cần và cũng là sự nhắc nhở thường xuyên để mỗi cán bộ, công chức soi vào, tự chấn chỉnh trong công việc hằng ngày, thì các chương trình phát động thông qua khẩu hiệu làm việc ở nhiều trường học, bệnh viện… như: “Ứng xử đúng mực, thái độ tận tâm, tinh thần tận tụy”; “Nói lời hay, cử chỉ đẹp”... đi kèm hình thức động viên, khen thưởng góp phần làm “nóng” thêm bầu không khí thi đua sôi nổi ở các cơ quan, đơn vị... trên địa bàn thành phố.

Phó Chủ tịch UBND phường Xuân La (quận Tây Hồ) Nguyễn Văn Dũng khẳng định, cuộc vận động thực hiện Quy tắc ứng xử ở địa phương đã tạo nên những chuyển biến thực sự từ ý thức tới hành động của người dân. Rõ nhất là những nỗ lực giữ gìn môi trường văn hóa cộng đồng từ những việc làm nhỏ bé, nhưng ý nghĩa như trồng cây xanh, bóc gỡ tờ rơi, quảng cáo rao vặt, bỏ rác đúng nơi, đúng giờ quy định…

Vẫn còn nhiều "sạn"

Hội thi tuyên truyền là cách để đưa Quy tắc ứng xử lan tỏa trong cộng đồng. Ảnh: Thủy Thanh


Sau gần 2 năm đi vào cuộc sống, hệ thống Quy tắc ứng xử đã mang lại nhiều chuyển biến cho đời sống xã hội, song chưa rõ rệt. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU Nguyễn Văn Phong cho rằng, một trong nhiều nguyên nhân của vấn đề này là sự vào cuộc chưa đồng đều ở không ít cơ sở. Nhiều cơ quan, đơn vị chưa xác định rõ trách nhiệm, không thực hiện nghiêm túc những yêu cầu của thành phố, dẫn đến triển khai chậm hoặc đối phó, thậm chí để xảy ra những vi phạm trong thực hiện Quy tắc ứng xử. Hành vi ứng xử thiếu văn minh, văn hóa chưa được đẩy lùi triệt để. Bạo lực gia đình, học đường… vẫn chưa được ngăn chặn kịp thời; tình trạng vô cảm chưa được hạn chế. Đặc biệt, phong cách ứng xử của người Hà Nội chưa tạo được sự khác biệt với các tỉnh, thành phố khác.

Những điều này đã được phản ánh trên truyền thông cũng như qua các đợt kiểm tra, giám sát của Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU thời gian qua. Tình trạng cãi, chửi nhau ở đường phố vẫn diễn ra; không gian công cộng vẫn bị chiếm dụng; vẫn còn hiện tượng ăn mặc phản cảm ở các di tích hay cảnh tranh giành, chèo kéo khách ở các điểm tham quan… Trong môi trường công sở, các hiện tượng: “Om” hồ sơ, “buôn chuyện”; bỏ công sở trong giờ làm việc; “cò mồi”… vẫn tồn tại.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng, hầu hết những hạn chế trên phải đến lúc Đoàn kiểm tra công vụ của thành phố có thông báo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị mới nắm bắt được sự việc. Có trường hợp vi phạm ngay sau khi được suy tôn danh hiệu “Người tốt, việc tốt” của năm. Điều này cho thấy hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát hành vi, thái độ ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp ở các địa phương chưa tốt... Còn theo ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế (HĐND TP Hà Nội), Quy tắc ứng xử nơi công cộng hiện mới chỉ dừng ở mức khuyến cáo nhằm điều chỉnh hành vi, lời nói, thái độ của mọi người tại nơi công cộng cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh từng khu vực, đối tượng khác nhau. Tương tự, Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị thuộc TP Hà Nội chưa đi kèm chế tài xử lý, dẫn đến, hiệu quả chưa cao.

Cùng với việc chưa có chế tài xử lý nghiêm, nhiều người cho rằng, Hà Nội là nơi hội tụ của người dân nhiều tỉnh, thành phố, vùng, miền trong cả nước, nên nhận thức, văn hóa và trình độ dân trí không đồng đều. Hơn nữa, dân cư lại thường xuyên biến động gây nhiều khó khăn cho việc tuyên truyền, phổ biến và xây dựng chuẩn mực văn hóa người Hà Nội. Những "hạt sạn" trên đã đặt ra nhiều thách thức cho chính quyền và người dân Thủ đô, đòi hỏi có thêm thời gian và giải pháp để khắc phục.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa nét đẹp văn hóa ứng xử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.