Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lan tỏa, hiệu quả, thiết thực

Dục Tú| 07/12/2015 06:08

(HNM) - Hôm nay 7-12, tại Hà Nội, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX chính thức khai mạc với sự tham dự của 1.800 đại biểu chính thức.

Với chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", Đại hội là dịp đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của các phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn 2011-2015, biểu dương những tập thể và cá nhân tiêu biểu nhằm tiếp tục khơi dậy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo động lực mới cho các phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn tới.

Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX có ý nghĩa quan trọng đối với việc thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ lớn, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay. Thực tiễn chỉ ra rằng kể từ năm 1948, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, tại Việt Nam đã hình thành hàng trăm phong trào thi đua ở tất cả các ngành, trên mọi lĩnh vực, góp phần tạo nên nguồn sức mạnh về tinh thần và vật chất vô cùng lớn. Nguồn sức mạnh to lớn đó đã tiếp sức hiệu quả cho công cuộc kiến thiết đất nước, bảo vệ Tổ quốc, cả trong hòa bình cũng như khi có chiến tranh, cả trong bối cảnh thuận lợi cũng như gian khó.

Hơn sáu mươi năm qua, thực tiễn đã chứng minh tính đúng đắn của việc phát động phong trào thi đua yêu nước cũng như hiệu quả của các phong trào đó. Nhiều phong trào có sức lan tỏa rộng lớn, có tác động mạnh mẽ, tạo động lực thúc đẩy toàn dân nêu cao tinh thần yêu nước, quyết tâm vượt mọi gian khó, chung sức đồng lòng thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ. Thời kháng chiến chống thực dân và đế quốc, ta thấy rõ sức mạnh, hiệu quả từ phong trào "Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm", "Bình dân học vụ", "Phụ nữ ba đảm đang", "Thanh niên ba sẵn sàng", "Mỗi người làm việc bằng hai, tất cả vì miền Nam ruột thịt". Những phong trào đó đã cho kết quả, cho bài học kinh nghiệm cần thiết để sau đó, khi hòa bình lập lại trên phạm vi cả nước, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập, chúng ta có tiếp phong trào thi đua "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Thanh niên tình nguyện", phong trào nông dân thi đua làm kinh tế giỏi…

Những thành công đã qua cho thấy chúng ta cần tiếp tục khơi dậy tinh thần đoàn kết, chung sức chung lòng xây dựng quê hương, bảo vệ Tổ quốc trong toàn dân. Cần tạo ra những phong trào mới dựa trên tiêu chí thiết thực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ hiện nay. Việc "xây mới" cần được tiến hành đồng thời với nhiệm vụ xem xét, đánh giá, tổng kết hiệu quả của những phong trào đã và đang thực hiện nhằm tránh tình trạng duy trì những mô hình hoặc cách thức triển khai thực hiện không còn phù hợp, thiếu hiệu quả.

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm rằng "thi đua là yêu nước", "yêu nước thì phải thi đua", và "công việc hằng ngày là nền tảng của thi đua". Một phong trào tốt, giàu ý nghĩa mà không được triển khai thực hiện đúng, không được sự hưởng ứng rộng rãi của nhân dân, không được cụ thể hóa bằng những việc tốt hằng ngày thì phong trào đó không thể tạo ra hiệu quả to lớn như mong muốn. Bởi vậy, trong giai đoạn tới, cùng với việc phát động thi đua hướng tới mục tiêu cụ thể, thực hiện giải pháp triển khai đúng đắn thì cần thực hiện tốt công tác kiểm tra, tổng kết, đánh giá - rút kinh nghiệm, khen thưởng - kỷ luật. Chỉ khi thực hiện đồng bộ các giải pháp như vậy thì các phong trào thi đua mới trở nên thiết thực, thu được kết quả cần thiết và có sức lan tỏa rộng rãi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa, hiệu quả, thiết thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.