Nông nghiệp

Lan tỏa cách làm giàu bền vững

Bạch Thanh 21/02/2024 - 06:56

Mặc dù mới đi vào hoạt động từ tháng 6-2023 song Câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi thành phố đã thổi luồng gió mới cho phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi Thủ đô. Đồng thời, những hoạt động của các thành viên câu lạc bộ cũng lan tỏa cách làm giàu bền vững.

nn-1.jpg
Khu nuôi cấy đông trùng hạ thảo của Công ty cổ phần Dược thảo Thiên Phúc (huyện Thanh Oai).

Trong nhiều năm qua, Công ty TNHH Phù Đổng Xanh đã cung cấp, thi công các khuôn viên cây xanh cho các khu cụm công nghiệp, khách sạn, nhà hàng… Hiện tại, Công ty là thành viên chủ chốt của Câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi thành phố Hà Nội. Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề làm vườn sinh vật cảnh và trang trại Phù Đổng, Giám đốc Công ty TNHH Phù Đổng Xanh (huyện Gia Lâm) Nguyễn Bá Ngơi không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, mà còn có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, khôi phục nghề truyền thống của địa phương. Nhờ việc chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp sang phát triển làng nghề trồng hoa, cây cảnh, sinh vật và trang trại, ông Nguyễn Bá Ngơi đã giúp cho hàng nghìn hộ dân của xã Phù Đổng thoát nghèo, thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Tương tự, Công ty cổ phần Dược thảo Thiên Phúc, xã Dân Hòa (huyện Thanh Oai) không chỉ tiên phong đầu tư nghiên cứu công nghệ nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo trên nền cơ chất tổng hợp, mà còn là người “đỡ đầu” hỗ trợ nhiều nông dân xây dựng mô hình sản xuất nông sản hữu cơ, an toàn, chất lượng cao. Hiện tại, Công ty có 2 cơ sở nuôi cấy tại huyện Thanh Oai (Hà Nội) và thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), với tổng diện tích gần 15.000m2; năng suất đạt 18 tấn dược liệu tươi/năm và phát triển các điểm trưng bày, cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Mỗi năm, Công ty cổ phần Dược thảo Thiên Phúc cung cấp khoảng 3 triệu phôi giống cho các cơ sở trên địa bàn cả nước, xuất bán từ 20 đến 30 tấn đông trùng hạ thảo.

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, đưa loài dược liệu quý của Việt Nam vươn xa, Công ty cổ phần Dược thảo Thiên Phúc với vai trò quan trọng của Giám đốc Nguyễn Thị Hồng đã tích cực chuyển giao công nghệ, nghiên cứu mở rộng mô hình, quảng bá sản phẩm. Thông qua việc chuyển giao công nghệ, Công ty đã xây dựng vệ tinh cho doanh nghiệp là các hộ nông dân. Trong những năm gần đây, Công ty cổ phần Dược thảo Thiên Phúc đã phối hợp với Hội Nông dân huyện Thanh Oai tổ chức 8 lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật về trồng các loại nấm cho khoảng 300 hội viên nông dân. Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ giống, nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động của xã Dân Hòa và các vùng lân cận, với thu nhập từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng.

Đó chỉ là 2 trong số 50 thành viên ban đầu của Câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi thành phố chung tay hỗ trợ nông dân Thủ đô cùng làm giàu. Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa cho biết, qua thời gian ngắn hoạt động, các thành viên câu lạc bộ đã thực sự là cầu nối, tạo điều kiện cho các thành viên câu lạc bộ trao đổi, phát huy ý tưởng sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh; tiên phong trong hoạt động phong trào do các cấp Hội Nông dân phát động, là hạt nhân liên kết, lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm trong phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo động lực thi đua phát triển kinh tế trong cán bộ, hội viên, nông dân toàn thành phố.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa, một số thành viên Câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi thành phố vẫn chưa mạnh dạn ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, do e ngại giá thành sản phẩm cao, khó tiêu thụ, dẫn đến chất lượng và sản lượng chưa cao.

“Thời gian tới, Câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi thành phố cần tiếp tục nâng cao khả năng ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, kỹ thuật sản xuất hiện đại; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất giống cây trồng và vật nuôi, nhất là phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Đồng thời, Câu lạc bộ cũng phải mạnh dạn đưa một số mô hình nông nghiệp phù hợp vào thực hiện tại các địa phương, gắn với phát triển du lịch nông thôn, nhằm nâng cao đời sống và giải quyết việc làm cho người dân”, bà Phạm Hải Hoa yêu cầu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa cách làm giàu bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.