Ngành Nông nghiệp Thủ đô cần không gian phát triển mới, đồng thời cần thay đổi để nền nông nghiệp thành phố trở thành nền nông nghiệp tri thức, nông nghiệp thông minh.
Chiều 1-12, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì Hội nghị về công tác phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với thành phố Hà Nội về phát triển nông nghiệp Thủ đô.
Dự Hội nghị, có đại diện các cục, vụ thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các sở, ban, ngành thành phố.
Bốn điểm sáng nông nghiệp Thủ đô
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết: Cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hỗ trợ, giúp đỡ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, nông nghiệp, nông thôn Thủ đô đã có nhiều bước tiến vượt bậc.
Với 17/18 huyện và 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, Hà Nội trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Đời sống người dân khu vực nông thôn không ngừng được cải thiện, thu hẹp khoảng cách về mọi mặt giữa khu vực ngoại thành với khu vực trung tâm thành phố.
Năm 2023, bình quân thu nhập của người dân nông thôn đạt 63,28 triệu đồng/năm, tăng hơn 7 lần so với năm 2008. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn chỉ còn 0,06% (cơ bản không còn hộ nghèo so với con số 12,5% năm 2008).
Nông nghiệp Hà Nội đã khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô với quy mô sản xuất gần 50.000 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD, cao hơn xấp xỉ 8 lần so với năm 2008, đứng tốp đầu về quy mô so với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng), duy trì và bảo đảm cung cấp lương thực, thực phẩm ổn định cho người dân, tạo việc làm và vành đai xanh cho Thủ đô.
Một số lĩnh vực nông nghiệp Hà Nội dẫn đầu toàn quốc, như: Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với 2.167 sản phẩm OCOP, chiếm 22% của cả nước; ngành chăn nuôi phát triển nhất cả nước với quy mô đàn trên 40 triệu con (trong đó, đàn gia cầm đứng đầu cả nước, đàn lợn đứng thứ 3)…
Về trước mắt, thành phố đã rà soát lại toàn bộ chính sách cho phát triển nông nghiệp Thủ đô và đã kịp thời ban hành bộ chính sách mới của thành phố về phát triển nông nghiệp, với quan điểm vận dụng tối đa các cơ chế, chính sách theo quy định của trung ương cho các lĩnh vực khuyến khích phát triển, như: Sản xuất giống, cơ giới hóa, chuỗi liên kết, công nghệ cao, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, sinh thái...
Về lâu dài, thành phố đã đánh giá, nghiên cứu và xác định các điểm nghẽn gây khó khăn trong phát triển nông nghiệp, như: Vấn đề quản lý sử dụng, tích tụ đất đai cho tổ chức sản xuất; thẩm quyền quyết định trong việc khuyến khích tổ chức sản xuất; các vấn đề về mô hình sản xuất, tổ chức sản xuất... để đề ra các giải pháp tháo gỡ. Đặc biệt, thành phố đưa vào các nội dung tháo gỡ về thể chế trong Luật Đất đai, đặc biệt là Luật Thủ đô (sửa đổi). Song song với việc hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi), thành phố đang thực hiện lập và điều chỉnh 2 quy hoạch lớn của Thủ đô (Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô).
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có 13 nội dung liên quan đến nông nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn và tạo động lực để thành phố chủ động hơn trong việc thực hiện các chính sách, giải pháp phát triển nông nghiệp.
Tư duy mới trong phát triển nông nghiệp
Tại hội nghị, các sở, ban, ngành thành phố Hà Nội đã trao đổi với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy hoạch sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm làng nghề, nông nghiệp công nghệ cao, phòng, chống thiên tai… nhằm kiến tạo không gian phát triển mới cho ngành Nông nghiệp Thủ đô.
Trao đổi tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh việc cần phát triển không gian mới cho ngành Nông nghiệp Thủ đô. Bộ trưởng cho rằng, cần thay đổi nhận thức, tư duy mới để nền nông nghiệp thành phố trở thành nền nông nghiệp tri thức, nông nghiệp thông minh.
Thế mạnh của Hà Nội là có rất nhiều trường đại học, học viện về nông nghiệp đóng trên địa bàn. Các trường, viện phải xem mình là công dân Thủ đô, có trách nhiệm cùng thành phố phát triển lĩnh vực nông nghiệp và cũng xem đây là cơ hội thử nghiệm kết quả nghiên cứu - Bộ trưởng nói.
Theo người đứng đầu ngành Nông nghiệp, cần có tư duy mở hơn, từ đó tạo ra không gian giá trị lớn hơn. Nếu chỉ tư duy trên sản lượng thì giá trị không nhiều, không bảo đảm phát huy được tiềm năng sẵn có của khu vực nông thôn Hà Nội vốn có nhiều giá trị văn hóa, lịch sử và con người.
“Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẵn sàng sát cánh cùng với Hà Nội, tin tưởng rằng công tác phối hợp sẽ tạo ra cộng hưởng nhằm phát triển ngành Nông nghiệp thành phố”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Trân trọng cảm ơn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đặc biệt là Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã dành nhiều sự quan tâm đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh khẳng định: Hà Nội có khát vọng thay đổi diện mạo nông thôn thành phố với cách tiếp cận mới, trong đó giữ gìn được nền tảng truyền thống văn hóa đi đôi với nâng cao đời sống khu vực nông thôn; giữ “phố trong làng, làng trong phố”, tạo điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn cho du khách.
Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn song hành thực hiện lập và điều chỉnh 2 quy hoạch lớn của Thủ đô. Đây là các căn cứ quan trọng, là cơ hội để nông nghiệp Thủ đô tiếp tục xác định vị trí, vai trò và hướng phát triển đồng bộ trong tổng thể chung của Hà Nội. Đồng chí Trần Sỹ Thanh cũng mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, thống nhất và ủng hộ các nội dung điều chỉnh, bổ sung liên quan lĩnh vực nông nghiệp trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.