Khai thác tốt lợi thế, năm 2023 ngành Nông nghiệp Thủ đô đã có những điểm nhấn ấn tượng.
Năm 2023 thời tiết tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nên lúa và cây màu vụ sinh trưởng, phát triển tốt. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát... là những điểm nhấn ấn tượng của nông nghiệp Thủ đô.
Tăng trưởng 2,74%
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, tốc độ tăng trưởng (GRDP) nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 trên địa bàn thành phố tăng 2,74% so với cùng kỳ năm trước (kế hoạch 2,5-3%). Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 (theo giá so sánh) đạt 41.681 tỷ đồng, tăng 2,71% so với cùng kỳ năm trước.
Về cơ cấu, giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm 90,44%; thủy sản 9,29%; lâm nghiệp 0,27%.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại thông tin, 2023 là năm khá thành công đối với ngành Nông nghiệp. Đặc biệt, thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025, ngành Nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
“Nông nghiệp Hà Nội là nông nghiệp phát triển trong lòng đô thị, theo đó phải có những điểm nhấn, những khác biệt, bài toán giá trị kinh tế luôn song hành với bảo vệ môi trường, xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn”, ông Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh.
Bám sát thực tế, linh hoạt trong chỉ đạo, dù là ngành kinh tế luôn tiềm ẩn rủi ro, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu, song ngành đã chủ động những giải pháp để tạo ra những con số đầy ấn tượng.
Cụ thể, thành phố tiếp tục duy trì, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn với 159 chuỗi, trong đó có 53 chuỗi sản phẩm động vật và 106 chuỗi sản phẩm thực vật. Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia. Thành phố đã xây dựng được hơn 40 nhãn hiệu được bảo hộ như gà đồi Ba Vì, Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê...
Đáng chú ý, Sở NN&PTNT đã phối hợp với 43 tỉnh, thành phố duy trì và hỗ trợ phát triển 926 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho thành phố Hà Nội. Đồng thời, cùng các sở, ngành, địa phương khuyến khích hỗ trợ triển khai 58 mô hình, cơ sở sản xuất nông nghiệp an toàn như sản xuất rau theo hướng hữu cơ, VietGAP, ứng dụng công nghệ cao, cây dược liệu,...
Đến nay, Hà Nội có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó có 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 54 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi.
Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, các mô hình công nghệ cao tập trung nhiều ở các huyện Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng… Một số mô hình bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trên thị trường.
Xây dựng nền nông nghiệp đô thị sinh thái
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, nông nghiệp Hà Nội không chỉ là nuôi con gì, trồng cây gì…, mà phải là nền nông nghiệp đô thị, sinh thái, nền nông nghiệp số với nhiều chất xám, là điển hình của cả nước. Nhìn từ nhiều quốc gia, nông nghiệp Thủ đô là nền nông nghiệp xứng tầm quốc tế.
Với định hướng đó, năm 2024, ngành Nông nghiệp Thủ đô phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành đạt 2,5-3%. Trong đó nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục cơ cấu lại ngành, phục hồi tốc độ tăng trưởng thông qua nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị, mở rộng thị trường.
Theo đó, xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ mới với năng suất, chất lượng cao, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái thông minh, gắn với phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch nông thôn, giáo dục trải nghiệm…
Để đạt được mục tiêu đề ra, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Hà Nội Lưu Thị Hằng cho biết, Chi cục tập trung thực hiện cơ cấu lại sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt theo mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giảm diện tích trồng lúa, tập trung phát triển lúa gạo theo hướng tăng cơ cấu giống lúa chất lượng; mở rộng diện tích trồng rau, tăng diện tích hoa, cây cảnh. Chuyển đổi các diện tích sản xuất lúa tại các vùng khó khăn về tưới tiêu sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.
Cụ thể, nâng cao hiệu quả và giảm dần diện tích trồng lúa, kế hoạch gieo trồng năm 2024 là 150.000 ha, sản lượng đạt hơn 900.000 tấn/năm. Tập trung phát triển theo hướng tăng cơ cấu giống lúa chất lượng cao, thực hiện cơ giới hóa đồng bộ trong canh tác, thu hoạch, sơ chế và chế biến lúa gạo.
Đối với cây rau, mở rộng diện tích gieo trồng đạt hơn 35.000ha; mở rộng diện tích trồng hoa đạt 7.449ha; mở rộng diện tích cây ăn quả đạt 23.206ha, tập trung phát triển cây trồng đặc sản địa phương có giá trị kinh tế cao như nhãn chín muộn, bưởi Diễn, cam Canh, táo, ổi...
Đối với chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hoàng Thị Hòa chia sẻ, mục tiêu là bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, thực hiện tốt công tác kiểm dịch, kiểm soát, giết mổ, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân Thủ đô. Đồng thời, bảo đảm phát triển đàn vật nuôi ổn định; dự kiến đàn trâu duy trì 28,8 nghìn con, đàn bò 135 nghìn con, đàn lợn 1,65 triệu con, đàn gia cầm 40 triệu con để góp phần vào tăng trưởng của ngành Nông nghiệp mỗi năm từ 2,5-3%.
“Hà Nội sẽ phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất con giống, cơ cấu lại đàn vật nuôi, tập trung phát triển con giống chất lượng cao trên cơ sở lưu giữ và bảo tồn các giống bản địa chất lượng cao. Ngoài ra, quản lý tốt trang trại chăn nuôi quy mô lớn, từng bước phối hợp với UBND các huyện, thị xã quản lý trang trại quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố”, bà Hoàng Thị Hòa khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.