Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Làn gió mới'' trong bảo tồn, quảng bá di sản

Nguyễn Thanh| 04/06/2022 06:27

(HNM) - Số hóa di sản là một trong những giải pháp hữu hiệu, giúp nâng cao hiệu quả bảo tồn, quảng bá, phát huy giá trị di sản trong đời sống đương đại. Hiện, số hóa di sản đang được nhiều bảo tàng, di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng như cả nước tích cực triển khai bằng nhiều nội dung, hình thức khác nhau, mang đến “làn gió mới”, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phát huy giá trị di sản.

Khách du lịch sử dụng hệ thống thuyết minh tự động tại di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Mang đến những trải nghiệm chân thật

Nằm trên một trong những con phố ngắn nhất của Thủ đô Hà Nội (phố Hỏa Lò, quận Hoàn Kiếm), di tích Nhà tù Hỏa Lò đã và đang là địa chỉ tham quan hấp dẫn với công chúng, nhất là những người trẻ mong muốn tìm hiểu lịch sử, văn hóa đất nước. Số lượng đăng ký tham quan tại di tích luôn trong tình trạng vượt ngưỡng; nhiều thời điểm, tour tham quan “cháy vé”. Yếu tố mang đến sức hút này, bên cạnh các hoạt động bổ trợ hấp dẫn, còn có hiệu quả không nhỏ của những hình thức tham quan mới lạ, độc đáo, với sự hỗ trợ tích cực từ công nghệ.

Theo Phó Trưởng ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò Đặng Văn Biểu, di tích triển khai hệ thống thuyết minh tự động, giúp du khách có thể tự trải nghiệm 35 câu chuyện có thực tại đây theo cách của riêng mình. Các thông tin liên quan đến hiện vật đều được truyền tải bằng chính lời kể của những người tù chính trị, giúp du khách hiểu thêm về những ngày tháng ngục tù của các chiến sĩ cách mạng, tình đồng chí, đồng đội, những cuộc đấu tranh trong tù hay cả những lần vượt ngục nguy hiểm…

“Đối với du khách chưa có cơ hội ghé thăm, di tích có các không gian tham quan trực tuyến ứng dụng nền tảng công nghệ Spotify và Apple Podcasts. Những câu chuyện về từng giai đoạn lịch sử đáng nhớ được thể hiện qua lời thuyết minh và hình ảnh minh họa, khiến trải nghiệm của du khách trở nên chân thật nhất”, ông Đặng Văn Biểu cho hay.

Tương tự, Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một điểm đến hấp dẫn, khó có thể bỏ qua nhờ những giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo và tiêu biểu. Với những thế mạnh này, khu di tích cũng không bỏ lỡ “cuộc chơi” số hóa di sản, nhằm tăng thêm sức hút cho điểm đến.

Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, trung tâm đã và đang triển khai nhiều nội dung, như: Hệ thống thuyết minh tự động gồm 12 ngôn ngữ theo tiêu chuẩn quốc tế; hệ thống trợ lý du lịch ảo ứng dụng công nghệ thông minh nhân tạo, trải nghiệm di tích bằng công nghệ thực tế ảo… Đặc biệt, mới đây, di tích đã cho ra mắt hệ thống vé điện tử và một số hoạt động chuyển đổi số trong du lịch, tạo điều kiện cho du khách tiếp cận với di sản một cách nhanh chóng, nhiều tiện ích hơn.

Tăng cường ứng dụng công nghệ số

Việc ứng dụng công nghệ số đang giúp các điểm đến di sản trở thành không gian đầy hứng khởi, thu hút công chúng; điểm nhấn quảng bá tinh hoa văn hóa ra thế giới. Chính vì vậy, ngày càng có nhiều điểm đến di sản tận dụng công nghệ số cho nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị.

Có thể kể đến, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội với chuỗi triển lãm, trưng bày được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, tour tham quan ảo 360 độ giới thiệu về các triều đại gắn với Hoàng thành Thăng Long; Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với công nghệ tham quan trực tuyến 3D tour; Bảo tàng Lịch sử quốc gia ứng dụng công nghệ tương tác ảo…

Cuối năm 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã phê duyệt Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 2-12-2021), tập trung cho các mục tiêu: Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa, bảo đảm đáp ứng hiệu quả dịch vụ cho xã hội, cộng đồng ở mọi lúc, mọi nơi…

Theo Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Lê Thị Minh Lý, số hóa di sản là một chủ trương lớn, cần tập trung đầu tư thực hiện. Việc một số di tích, bảo tàng tích cực thực hiện số hóa với nhiều sáng kiến hiện nay rất đáng được khích lệ. Tuy nhiên, số hóa là công trình sáng tạo cùng nhau, không đơn thuần chỉ là công nghệ. Quá trình này cần phải nghiên cứu, đưa ra sản phẩm tốt có đủ hàm lượng thông tin khoa học về văn hóa, mới đủ tính hấp dẫn công chúng; nếu không, số hóa sẽ không có ý nghĩa.

Còn theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Thị Mỹ Hoa, trong thời gian tới, ngành Văn hóa Thủ đô tiếp tục có những định hướng, khích lệ, tạo điều kiện để các điểm đến di sản phát huy thế mạnh sáng tạo trong ứng dụng công nghệ, tạo ra môi trường khám phá, thưởng thức các giá trị văn hóa, lịch sử hấp dẫn; đồng thời tăng cường quảng bá, cung cấp nhiều hơn những cơ hội khám phá di sản cho công chúng thông qua các ứng dụng công nghệ...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Làn gió mới'' trong bảo tồn, quảng bá di sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.