(HNM) - Thời gian qua, mặc dù huyện Thanh Oai đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác của nhân dân trong công tác bảo đảm an toàn giao thông, trật tự đô thị và ra quân xử lý vi phạm… Song đến nay, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để đỗ xe, kinh doanh tái diễn ở nhiều xã, thị trấn. Nhằm xử lý triệt để vi phạm, huyện Thanh Oai đã triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để đạt kết quả khả quan hơn.
Huyện Thanh Oai có nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ chạy qua (quốc lộ 21B, đường 427, 429… tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh doanh dịch vụ, nhưng cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, tại một số xã ven quốc lộ 21B, vi phạm trên diễn ra khá phổ biến. Đơn cử như tại xã Bích Hòa, từ sáng sớm hằng ngày người dân đã lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để bán quần áo, hoa quả, căng ô bạt tràn lan; một số hộ bán thực phẩm tươi sống còn đổ nước thải ra đường...
Tương tự, dọc quốc lộ 21B qua các xã, thị trấn: Bình Minh, Thanh Mai, Kim Bài, Phương Trung, Dân Hòa, vi phạm trật tự đô thị diễn ra phổ biến. Ngay đầu xã Bình Minh, một cửa hàng đã chiếm hết vỉa hè để bày bán xe. Khu vực cầu Nảy, xã Thanh Mai, 3-4 hộ bán dừa bày hàng, căng ô, kê bàn ghế lấn ra lòng đường. Vi phạm nhiều nhất phải kể đến khu vực thôn Vũ Lăng và phố Vác, xã Dân Hòa. Tại đây, hầu hết vỉa hè bị các hộ dân chiếm dụng để bày bán đồ thờ, vật liệu xây dựng, than trấu, tre tươi... Dọc tuyến đường 427, 429 qua các xã Thanh Thùy, Cao Dương, vi phạm trật tự đô thị cũng diễn ra không kém.
Được biết, từ đầu năm 2019 đến nay, UBND huyện Thanh Oai đã mở hai đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, công cộng, đô thị và tăng cường đôn đốc, kiểm tra, xử lý vi phạm. Ngoài việc tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của huyện và các xã; tuyên truyền lưu động trên quốc lộ 21B, tỉnh lộ 427, 429, lực lượng chức năng đã kiểm tra, nhắc nhở 265 hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè lòng đường, tháo dỡ 120 biển quảng cáo, 50 mái che, mái vẩy; giải tỏa 1.050m3 vật liệu xây dựng; xử lý 536 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, xử phạt trên 160 triệu đồng.
Mặc dù vậy, đến nay vi phạm lại tái diễn, gây bức xúc trong nhân dân. Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Quang Huy, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thanh Oai cho biết, khó khăn nhất trong công tác bảo đảm an toàn giao thông, đô thị trên địa bàn là ý thức của người dân sống dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ còn hạn chế. Vì cuộc sống mưu sinh nên hầu hết các hộ có nhà mặt đường cố tình tái lấn chiếm sau mỗi đợt ra quân xử lý, dù các hộ này đều ký cam kết không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Hơn nữa, do địa bàn huyện rộng nên khi lực lượng chức năng, chính quyền địa phương ra quân xử lý ở một điểm thì các điểm khác đều được người dân thông báo cho nhau biết để đối phó nên khó xử lý, tịch thu tang vật vi phạm. Vì thế, khi lực lượng rút quân, vi phạm lại tái diễn.
Nhằm hạn chế tối đa vi phạm, ông Đỗ Quang Huy cho biết: Giải pháp mà huyện Thanh Oai đã và đang chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai là tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, trật tự đô thị; tăng cường nắm bắt, phát hiện, giao các đơn vị xử lý triệt để vi phạm. Ngoài ra, huyện lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh tình hình vi phạm để giải quyết kịp thời; sẽ xem xét trách nhiệm người đứng đầu các ngành, địa phương nếu vi phạm kéo dài không được xử lý dứt điểm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.