Là yêu cầu cốt lõi đặt ra tại Luật Quy hoạch 2017, phương pháp tích hợp quy hoạch đặt ra yêu cầu quy hoạch phải được nghiên cứu đồng bộ, bảo đảm tính liên kết, thống nhất giữa các ngành, lĩnh vực, tránh chồng chéo, mâu thuẫn.
Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, nhất là với các đô thị lớn, đặc biệt như Hà Nội, do chưa có hướng dẫn cụ thể của các cơ quan chức năng.
Phương pháp tư duy mới
Theo Tiến sĩ Ngô Công Thành, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ kế hoạch và Đầu tư), Luật Quy hoạch 2017 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2019) đã thay đổi cơ bản tư duy, phương pháp và nội dung lập quy hoạch. Theo đó, tích hợp quy hoạch là yêu cầu cốt lõi, là phương pháp tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trong việc lập quy hoạch, nhằm đạt mục tiêu phát triển cân đối hài hòa và hiệu quả bền vững.
“Như vậy, tích hợp quy hoạch có thể hiểu là sự lồng ghép các nội dung cần thiết vào nội dung vốn có của quy hoạch, nhằm tạo nên một đồ án hoàn thiện, thống nhất giữa các nội dung liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, khắc phục được sự chồng chéo, xung đột giữa các quy hoạch khi lập riêng lẻ”, kiến trúc sư Lưu Quang Huy, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nêu.
Thực tế, trước khi Luật Quy hoạch 2017 có hiệu lực, quy hoạch xây dựng kế thừa kết quả của các quy hoạch ngành và quy hoạch kinh tế - xã hội để định hướng tổ chức không gian và sử dụng đất phát triển đô thị, nông thôn. Tuy nhiên, áp dụng Luật Quy hoạch 2017, các nội dung này đã được nghiên cứu tích hợp trong quy hoạch cấp tỉnh và trở thành cơ sở đầu vào để tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa trong các quy hoạch xây dựng cấp dưới.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội là đồ án quy hoạch cấp tỉnh, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, đồng thời là quy hoạch cấp dưới, nhằm cụ thể hóa quy hoạch cấp tỉnh. Áp dụng tích hợp quy hoạch trong lập đồ án quy hoạch này, các vấn đề được tích hợp phải bảo đảm toàn diện, bao phủ các vấn đề kinh tế - xã hội… nhưng phải đủ linh hoạt để không trở thành rào cản khi triển khai các quy hoạch cấp dưới.
Thiếu hướng dẫn, việc lập quy hoạch gặp khó
Theo kiến trúc sư Trần Duy, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển, đào tạo và hợp tác quốc tế (Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội), đặc điểm khác biệt nổi bật khi lập quy hoạch cấp tỉnh trên địa bàn Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, so với các tỉnh khác, là ranh giới lập quy hoạch cấp tỉnh trùng với ranh giới lập quy hoạch chung đô thị. Điều này khiến việc xác định mức độ nghiên cứu, cũng như các vấn đề được tích hợp trong 2 quy hoạch dường như không phân biệt được. Thực tế, chưa có văn bản pháp luật nào hướng dẫn nội dung này. Đây là một trong số những nguyên nhân khiến cho việc lập quy hoạch cấp tỉnh ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh gặp nhiều trở ngại.
Ngoài ra, từ thực tiễn việc lập đồng thời Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cho thấy, việc lập đồng thời nhiều quy hoạch có nội dung đa ngành trong cùng một bản quy hoạch theo phương pháp mới và cùng một thời điểm, gây khó khăn khi tuyển chọn tư vấn và thẩm định. Trong khi đó, số lượng, chất lượng các tổ chức tư vấn còn hạn chế, công tác đấu thầu lựa chọn tư vấn gặp nhiều vướng mắc…
Việc chưa có đầy đủ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lập quy hoạch, hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chưa cao; quy trình, cách thức tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư còn hạn chế, bất cập… đã ảnh hưởng nhiều đến tiến độ, chất lượng lập, quyết định hoặc phê duyệt các quy hoạch. Ngoài ra, quy trình, thủ tục điều chỉnh các quy hoạch được thực hiện như đối với việc lập mới quy hoạch dẫn đến việc quy hoạch thấp hơn được thực hiện như đối với việc lập mới quy hoạch dẫn đến quy hoạch thấp hơn được phê duyệt trước phải điều chỉnh để bảo đảm phù hợp với quy hoạch cấp cao hơn, sẽ rất khó khăn và mất nhiều thời gian.
Theo Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy, đến nay, mối quan hệ giữa quy hoạch cấp tỉnh và quy hoạch chung đô thị đối với các đô thị đặc biệt như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chưa từng có tiền lệ. Hệ thống văn bản pháp luật chưa đề cập đầy đủ các diễn biến thực tế. Vì vậy, để tháo gỡ những vấn đề bất cập đã nêu ở trên, mỗi đô thị cần xác định cho mình những yếu tố đặc thù liên quan đến 2 quy hoạch, nhằm xác định mức độ nghiên cứu của từng loại quy hoạch cho phù hợp, tránh chồng chéo, trùng lặp.
Còn theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội), các nội dung và chỉ tiêu trong quy hoạch tích hợp phải được liên kết với nhau theo cả chiều dọc - từ cấp trên xuống cấp dưới và theo chiều ngang - không gian lãnh thổ. Để liên kết và thống nhất được các chỉ tiêu quy hoạch theo cả chiều dọc và cả chiều ngang, quá trình xây dựng quy hoạch phải được tiến hành đồng thời ở tất cả các cấp, ngành, địa phương để cùng đặt ra các phương án quy hoạch, cùng trao đổi thảo luận để đi đến một phương án thống nhất.
Thêm vào đó, mục tiêu quan trọng nhất là phải khai thác nguồn lực tiềm năng trở thành nguồn lực phát triển thực tế. Nếu có phương án tốt, tư duy quy hoạch tốt thì quy hoạch xong có thể tạo ra nguồn lực cho phát triển ngay. Ví dụ, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang cần nguồn lực để phát triển hệ thống đường vành đai. Nếu quy hoạch tốt hệ thống đường này, đất đai, không gian đô thị sẽ tạo ra nguồn lực nhiều hơn cả kinh phí làm đường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.