(HNM) - Vừa qua, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề xuất với Chính phủ cho phép tịch thu phương tiện khi người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn hoặc vượt quá tiêu chuẩn cho phép quy định trong Luật Giao thông đường bộ. Biện pháp này nhằm góp phần làm giảm tai nạn giao thông (TNGT)
Ông Lê Văn Tuyên, phường Yết Kiêu,quận Hà Đông: Lái xe công uống rượu thì xử lý thế nào?
Hình phạt nặng đối với người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu, bia là rất cần thiết. Nhưng thiết nghĩ, pháp luật áp dụng vào thực tiễn là để mang lại hiệu quả trong việc giữ gìn ổn định trật tự xã hội, chứ không phải để… dọa người dân. Hình phạt phải nghiêm minh, nghiêm khắc, chính đáng chứ không nên quá hà khắc. Đối với những trường hợp khi tham gia giao thông sử dụng rượu, bia gây TNGT, làm thiệt hại tài sản, tính mạng của người khác thì phải xử lý theo quy định của pháp luật, tịch thu xe của họ là hợp lý. Nhưng, đối với trường hợp lái xe là người của một cơ quan nhà nước đã tự ý sử dụng phương tiện khi có "hơi men", thì xử lý như thế nào? Xe công "bỗng dưng" bị tịch thu xung công quỹ, thì cơ quan đó lấy phương tiện gì để công tác? Tài sản của Nhà nước bị thu giữ, cơ quan đó phải giải trình ra sao, quy trách nhiệm như thế nào?
Ông Phạm Thành Trung, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức: Giải quyết sao khi "quýt làm, cam chịu"?
Tôi thấy đề xuất tịch thu phương tiện khi người điều khiển chúng sử dụng rượu, bia quá mức cho phép là chưa công bằng, vì giá trị phương tiện có thể là vài chục triệu đồng, vài trăm triệu đồng hay hàng tỷ đồng, hàng chục tỷ đồng đều bị xử lý như nhau, sẽ khiến cho người vi phạm không phục. Hơn nữa, ô tô là tài sản lớn, nếu chỉ vì lần đầu đi xe, có nồng độ cồn cao trong máu, trong khí thở, chưa gây hậu quả gì mà bị tịch thu, e là người bị xử lý sẽ phản ứng gay gắt. Họ sẽ đặt vấn đề so sánh đối với những trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hơn, như phòng khám tư nhân gây chết người thì xử lý thế nào? Nhà hàng do nấu thức ăn không bảo đảm gây ngộ độc chết người thì có tịch thu cả nhà hàng không?
Một điều đáng quan tâm nữa là đối với xe mượn, xe thuê, người điều khiển bị phạt là đương nhiên, nhưng chủ xe đâu có lỗi để bị "tước" mất tài sản? Hơn nữa, nếu phương tiện giao thông đó là công cụ để kiếm sống hằng ngày của một gia đình (xe ôm, xe chở khách, xe chở hàng thuê…), lái xe chỉ vì "vui" một chút mà nhấp chén rượu, khiến xe bị tịch thu, thì cuộc sống sau này của gia đình họ sẽ ra sao? Tại sao không ngăn chặn ngay từ đầu bằng việc cấm sản xuất, bán rượu, bia?
Bà Nguyễn Thu Lan, xã Hòa Phú,huyện Ứng Hòa: Nên gửi thông báo vi phạm về nơi cư trú, nơi làm việc
Liệu có làm gia tăng tiêu cực khi chủ xe có nguy cơ bị tịch thu sẽ tìm mọi cách "chạy" các "cửa" hoặc hối lộ CSGT vì xe giá trị tiền tỷ? Ai bảo đảm là sẽ không có trường hợp "nể nang", không xử phạt vi phạm? Tôi được biết, năm 2011, Công an TP Hà Nội đã triển khai hàng loạt kế hoạch xử lý người vi phạm giao thông, trong đó có nội dung "Phòng, chống uống rượu, bia với người điều khiển phương tiện giao thông"... Nếu cho rằng chỉ phạt tiền đối với người vi phạm nồng độ cồn như hiện nay chưa phải là biện pháp răn đe mạnh, thì chỉ cần thực hiện đồng thời nhiều biện pháp như tăng mức phạt tiền cao hơn, tăng thời gian tạm giữ xe, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-2 năm, gửi thông báo vi phạm về nơi cư trú và nơi làm việc của người vi phạm. Biện pháp tịch thu phương tiện chỉ nên áp dụng đối với trường hợp người sử dụng rượu, bia có hành vi lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông, gây TNGT nghiêm trọng. Quan trọng nhất vẫn là thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về an toàn giao thông, nâng cấp hệ thống đường giao thông, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng CSGT, buộc người vi phạm phải lao động công ích…
Ông Lê Thanh, xã Sơn Đà, huyện Ba Vì: Quản lý, bảo quản, sử dụng như thế nào đối với phương tiện bị tịch thu?
Nếu quy định này được áp dụng vào thực tiễn, thì quy trình bảo quản, quản lý, sử dụng phương tiện bị tịch thu ra sao? Lấy đâu kinh phí và phải đầu tư bao nhiêu tiền, bao nhiêu đất để xây dựng thêm các kho bãi chứa xe vi phạm? Liệu có gây lãng phí tài sản nếu xe bị phơi mưa, nắng dẫn đến hư hỏng? Hiện tại, có rất nhiều bãi chứa xe vi phạm trong tình trạng không có mái che khiến cho lớp sơn bị bong tróc, bục lốp, máy móc hoen gỉ… Giờ thực hiện thêm chế tài tịch thu xe sung công quỹ đối với người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn cao, thì tình trạng xe lưu bãi lâu bị hư hỏng, không còn giá trị sử dụng có nguy cơ tăng, thiệt hại cho cả người vi phạm và Nhà nước, ai chịu trách nhiệm?...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.