Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm rõ tính pháp lý của hội nghị trực tuyến

H.V| 28/05/2012 17:04

(HNMO) - Chiều 28/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013.


Góp ý cho Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các đại biểu đoàn Hà Nội quan tâm nhiều đến việc tổ chức các hội nghị trực tuyến giữa các kỳ họp chính.

Đại biểu Nguyễn Đức Chung hoan nghênh việc tổ chức các hội nghị trực tuyến giữa 2 kỳ họp. Theo đại biểu Trung, có thể tăng các cuộc họp này lên tần suất 1 quý/lần, thậm chí càng nhiều càng tốt vì hiện nay, có rất nhiều vấn đề bức xúc được cử tri quan tâm, nếu kết hợp được những vấn đề này với các vấn đề của UBTVQH và tiến hành chất vấn thì rất tốt.

Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch đề nghị thêm, nên hợp thức hóa kết quả của các cuộc họp trực tuyến và coi các cuộc họp trực tuyến có giá trị pháp lý như các cuộc họp tập trung.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà đề nghị cân nhắc việc này. Theo đại biểu Hà, thực tế tổ chức các hội nghị trực tuyến cho thấy, ở đoàn Hà Nội, ngoài 2 đại biểu chuyên trách thì thường chỉ có thêm 1-2 đại biểu kiêm nhiệm tham gia. Đại biểu Hà đề nghị, đề án cần làm rõ tính pháp lý của hội nghị trực tuyến và cách ứng xử với các khách mời đến dự.

Ủng hộ các cuộc họp trực tuyến, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh băn khoăn đến thời gian dành cho cuộc họp, bởi nếu cuộc họp trực tuyến có đông đại biểu tham gia thì không thể đủ thời gian để các đại biểu góp ý. Để khắc phục hạn chế này, đại biểu Khánh đề nghị, nên khuyến khích các đại biểu sử dụng công nghệ thông tin để đóng góp ý kiến cho Quốc hội. Tuy nhiên, điều quan trọng là các ý kiến đã được góp ý phải được tiếp thu và giải trình đầy đủ.


Một vấn đề nổi bật khác đó là nâng cao chất lượng giám sát, trong đó có việc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả bỏ phiếu được công bố công khai.

Nội dung đổi mới này được đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường tán thành bởi nó sẽ giúp cho Quốc hội hoạt động thực quyền hơn và chính phủ phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm trước Đảng, nhân dân và đất nước.

Đại biểu Bùi Thị An cho rằng, việc bỏ phiếu tín nhiệm nên được tiến hành hàng năm và áp dụng với những chức danh gắn với quản lý Nhà nước, các vị trí nhạy cảm.

“Tôi đề nghị chúng ta chỉ nên bỏ phiếu một lần, nếu không được thì cho nghỉ”, đại biểu An nói.

Liên quan đến việc nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Đức Chung đề nghị, nên xem xét rút ngắn mỗi kỳ họp xuống còn từ 18-20 ngày vì nếu Quốc hội làm tốt hơn việc cung cấp tài liệu để các đại biểu nghiên cứu sớm thì các đại biểu có thể gửi sớm văn bản góp ý về cho Quốc hội, trên cơ sở đó Quốc hội tập hợp ý kiến và khi các đại biểu thảo luận trực tiếp tại hội trường, chỉ cần thảo luận những ý kiến còn khác nhau.

Về chất lượng làm luật, một số đại biểu đoàn Hà Nội góp ý, một trong những lý do khiến các luật khi đi vào cuộc sống bị hạn chế là do trong quá trình xây dựng, thẩm định, góp ý kiến cho dự thảo luật, việc khảo sát chưa sát thực tiễn.

Các đại biểu đề nghị, nên có những luật ngắn chỉ 15-20 điều và chỉ điều chỉnh một vấn đề cụ thể, có vậy mới nâng cao được hiệu quả quản lý của Nhà nước và thiết thực với đời sống.

Một nội dung khác của phiên thảo luận tổ chiều nay là góp ý cho chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013. Các đại biểu đoàn Hà Nội cơ bản thống nhất với nội dung tờ trình. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc rút dự án Luật đô thị, Luật quy hoạch, Luật thư viện ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012; xem xét sớm Luật biểu tình; đưa Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm rõ tính pháp lý của hội nghị trực tuyến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.