Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm rõ nhiều “điểm nóng” về công tác điều tra, xét xử

Hiền Thu| 19/11/2017 06:58

(HNM) - Ngày 18-11, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã trả lời nhiều câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan tới công tác điều tra, xét xử như: Tỷ lệ hủy án, trả hồ sơ án cao; năng lực, trình độ, trách nhiệm thực thi công vụ của thẩm phán; công tác xét xử vụ án dân sự, hành chính, chống tham nhũng…

Trong một buổi sáng, nhiều câu hỏi đã được đặt ra cho Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Đại biểu Bùi Huyền Mai và đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Đoàn Hà Nội) nêu thực trạng số lượng vụ án bị hủy, cải sửa còn nhiều, đặc biệt là những vụ án do lỗi chủ quan của thẩm phán, chủ tọa phiên tòa. Thực trạng này đã phản ánh tình trạng vi phạm tố tụng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Các đại biểu đặt ra vấn đề trách nhiệm của ngành Tòa án và biện pháp khắc phục?


Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời nhiều câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan tới công tác điều tra, xét xử.


Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình thừa nhận, có những vụ án bị tòa trả lại hồ sơ nhiều lần, cá biệt có vụ tới 7 lần. Năm 2017 có 145 vụ trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều lần, trong đó trả 2-3 lần là hơn 100 vụ. Nguyên nhân là chất lượng điều tra vụ án "có vấn đề", thẩm phán không tuân thủ pháp luật, nể nang, thiếu bản lĩnh trong tuyên án... Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, giải pháp của việc này là các cơ quan liên quan phải nâng cao chất lượng điều tra, truy tố. Tòa án trước khi trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung phải nêu rõ lý do và khi nhận lại sẽ kiểm tra việc tuân thủ yêu cầu.

Tham gia giải trình tình trạng các vụ án tham nhũng cấp trung ương bị kéo dài, hồ sơ bị trả nhiều lần để điều tra lại, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho biết, so với các loại án khác, án tham nhũng thường bị kéo dài, trả hồ sơ, bổ sung nhiều lần. Nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân chính liên quan đến năng lực, trình độ, trách nhiệm của các cán bộ thuộc cơ quan tố tụng, gồm cả Viện Kiểm sát; đặc biệt là năng lực, kiến thức trong quản lý tài chính, kinh tế nên tiến hành tố tụng còn hạn chế.

Chỉ ra những hạn chế trong thu hồi tài sản tham nhũng, đại biểu Lê Thị Nga (Đoàn Thái Nguyên) nêu rõ: Việc thu hồi tài sản theo bản án rất thấp, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống tham nhũng. Đại biểu đề nghị cho biết nguyên nhân và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Giải trình về nội dung này, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, năm 2017 cơ quan chức năng thu hồi 29% tiền, 50% đất đai, tài sản tham nhũng. Nguyên nhân cơ bản là vụ án tham nhũng có nhiều đối tượng liên quan; thời gian điều tra kéo dài nên các đối tượng biết trước và tìm cách tẩu tán tài sản, chuyển trái phép ra nước ngoài. Vì thế, Bộ Công an đã đề nghị bổ sung Điều 124 Bộ luật Tố tụng hình sự về tạm hoãn xuất cảnh ghi rõ, có thể tạm hoãn xuất cảnh đối với người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn. Quy định này có hiệu lực từ ngày 1-1-2018.

Trước sự quan tâm của đại biểu Quốc hội và người dân về vụ án nguyên đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng nhà đất - Housing Group, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu: "Có thông tin cho rằng tại phiên tòa bị cáo khai việc chạy vào Quốc hội, nhưng Tòa không cho khai, đề nghị Chánh án nói rõ cho người dân hiểu".

Trả lời câu hỏi này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, đã yêu cầu kiểm tra từ hồ sơ vụ án, kỹ thuật phòng xét xử, yêu cầu chủ tọa, thẩm phán báo cáo giải trình và gặp luật sư. Kết quả là phòng xét xử bình thường, không sự cố. “Việc chủ tọa phiên tòa dừng không cho khai tiếp vì vụ án đã được tách ra, theo quy định của luật thì việc đó được phép”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định và cho biết thêm, Châu Thị Thu Nga khai quen biết một doanh nhân, có quan hệ rộng ở Hà Nội nên chủ động gặp và đã đưa tiền nhiều lần. Nhưng việc đưa tiền không có chứng cứ chứng minh. Tại biên bản đối chất, doanh nhân nói trên không thừa nhận đã nhận tiền. Như vậy, cơ quan điều tra tách ra là cần thiết.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn buổi sáng kết thúc với 30 đại biểu chất vấn, 10 đại biểu tranh luận; còn 11 đại biểu sẽ gửi câu hỏi chất vấn tới Tổng Thư ký Quốc hội và Chánh án sẽ trả lời bằng văn bản. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao và các bộ, ngành liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm rõ nhiều “điểm nóng” về công tác điều tra, xét xử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.