Chính trị

Hà Nội yêu cầu xét xử 35 vụ án tham nhũng trong quý I-2024

Hà Vũ - Ảnh: Viết Thành 25/12/2023 20:26

Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo yêu cầu trong quý I-2024 phải kết thúc điều tra, giải quyết theo quy định pháp luật 40 vụ án, vụ việc; đưa ra xét xử sơ thẩm 35 vụ án tham nhũng.

Ngày 25-12, Ban Chỉ đạo Thành ủy Hà Nội về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tổ chức Phiên họp cuối năm thảo luận, cho ý kiến đối với 5 văn bản, báo cáo và Chương trình công tác trọng tâm của Thường trực Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ đạo Thành ủy về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024.

img_6071.jpeg
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chủ trì Phiên họp Ban Chỉ đạo Thành ủy về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp. Tham dự có các đồng chí Phó Trưởng ban Chỉ đạo, Ủy viên Ban Chỉ đạo; đại diện Ban Cán sự Đảng UBND thành phố; Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố...

Phát biểu kết luận Phiên họp, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo đánh giá, Ban Nội chính Thành ủy - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đã chuẩn bị trách nhiệm, nghiêm túc các tài liệu; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo và các đại biểu dự hội nghị đã thảo luận, tham gia ý kiến nghiêm túc, chất lượng.

Theo Trưởng ban Chỉ đạo, từ đầu năm đến nay, công tác Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo Thành ủy quan tâm chỉ đạo triển khai bài bản, đồng bộ, gắn với đẩy mạnh toàn diện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; quyết liệt, đồng bộ từ thành phố đến địa phương, đạt được kết quả cụ thể. Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo Thành ủy đã ban hành 28 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, khẩn trương các ý kiến chỉ đạo, kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các Phiên họp thứ 23, 24; thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của các Đoàn công tác, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương...

Các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm cơ chế chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương trong phối hợp phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; đã chuyển 124 vụ việc có dấu hiệu tội phạm đến cơ quan điều tra để xử lý theo quy định pháp luật.

Năm 2023, Ban Chỉ đạo Thành ủy đã đưa 36 vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo; tập trung chỉ đạo xử lý 64 vụ việc, vụ án; chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan tố tụng hai cấp thành phố giải quyết xong, đưa ra khỏi diện theo dõi 13 vụ án.

Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa ra xét xử sơ thẩm 9 vụ án Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi chỉ đạo. Đây đều là các vụ án nghiêm trọng, phức tạp; kết quả xét xử vụ án theo đúng tinh thần: “Không có ngoại lệ, không có vùng cấm”, được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu rõ, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Thời gian tới, Trưởng ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm; trước hết chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo chỉ đạo của Trung ương, của Ban Chỉ đạo và đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, biện pháp, giải pháp về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ thành phố; chỉ đạo thực hiện tốt Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021 - 2025”, 15 chuyên đề và Đề án số 56-ĐA/TU ngày 25-11-2019 của Thành ủy về “Đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý tình trạng tiêu cực, gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc trên địa bàn thành phố”...

Đồng chí Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đặc biệt là phát huy hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp trong công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để không tạo kẽ hở, dễ lợi dụng và giám sát việc thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của các cấp chính quyền. Tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân trong công tác giám sát đại biểu dân cử, giám sát cán bộ, công chức trong việc tuân thủ pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giám sát việc thực hiện pháp luật về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập…

Cũng theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, các cấp, các ngành cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, nhất là thanh tra công vụ, kiểm tra, kiểm soát nội bộ để phát hiện, giải quyết từ sớm, từ xa, ngăn chặn từ đầu sai phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Công tác kiểm tra, giám sát về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải được đưa vào chương trình công tác hằng năm của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp.

Đặc biệt, Trưởng ban Chỉ đạo Thành ủy Hà Nội về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực yêu cầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm xảy ra tại địa phương; nhất là các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Thành ủy theo dõi, chỉ đạo hoặc được ủy quyền, bảo đảm đúng tiến độ theo kế hoạch, đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước...

Cụ thể, đồng chí Đinh Tiến Dũng yêu cầu, trong Quý I-2024, phải kết thúc điều tra, giải quyết theo quy định pháp luật 40 vụ án, vụ việc; đưa ra xét xử sơ thẩm 35 vụ án, gồm: Vụ án“Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cổ phần Coma 18 trong quá trình thực hiện dự án VP6 Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội; vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội; 3 vụ án liên quan đến Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á; 30 vụ án liên quan các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Cũng theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, các cơ quan thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 04-CT/TƯ, ngày 2-6-2022 của Ban Bí thư; Kế hoạch số 44-KH/TU ngày 26-10-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TƯ về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng”. Tập trung xây dựng, hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, định mức, chế độ; các quy chế, quy trình xử lý công việc tại các cơ quan, đơn vị và phải được công khai, minh bạch hóa để các tổ chức, đơn vị và toàn thể nhân dân cùng giám sát quá trình thực thi nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước và các cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ.

Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo đã thống nhất ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Kế hoạch 128-KH/TU ngày 28-3-2018 của Ban Thường vụ Thành ủy, giao Ban Nội chính Thành ủy chủ trì tham mưu triển khai thực hiện; đồng thời, thống nhất ban hành Chương trình công tác trọng tâm của Thường trực Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ đạo Thành ủy về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội yêu cầu xét xử 35 vụ án tham nhũng trong quý I-2024

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.