(HNM) - Tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội đã kiến nghị Chính phủ có giải pháp giám sát chặt chẽ việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức, qua đó ngăn chặn việc che giấu, tẩu tán tài sản tham nhũng, làm rõ nguồn gốc tài sản không minh bạch... để hiện thực hóa các quy định về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Với nhiều quốc gia trên thế giới, việc kê khai tài sản, công khai thu nhập của quan chức chính quyền, công chức cấp cao… được coi là nghĩa vụ, sẵn sàng cho sự giám sát của cộng đồng, được công khai với nhiều hình thức khác nhau. Ở một số quốc gia, cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng đã xây dựng cơ sở dữ liệu, công khai qua cổng thông tin để cơ quan chức năng và người dân tìm hiểu, giám sát. Đây được xem là một giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn các hành vi tham nhũng, rửa tiền…
Tại Việt Nam, Luật Phòng, chống tham nhũng (năm 2018) và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức đơn vị đã quy định nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực này; đồng thời tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý những người kê khai, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập không trung thực, cũng như người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm trong tổ chức việc kê khai, công khai tài sản, thu nhập...
Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc xác minh ngẫu nhiên tài sản, thu nhập của người phải kê khai, tuy nhiên, hiệu quả thực tế từ việc kê khai tài sản, công khai thu nhập của cán bộ, công chức có chức vụ, quyền hạn chưa như mong muốn. Có nơi, có chỗ việc này vẫn mang tính hình thức, tạo kẽ hở cho việc che giấu, tẩu tán tài sản tham nhũng. Mặt khác, độ tin cậy của thông tin kê khai chủ yếu phụ thuộc vào tính trung thực của cán bộ, công chức, rất khó kiểm soát vì thiếu công cụ xác minh.
Vậy, phải làm gì để kiểm soát chặt chẽ tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, góp phần đẩy lùi nạn tham nhũng?
Trước hết, để phát hiện tài sản bất minh cũng như việc kê khai không trung thực, các cơ quan, tổ chức cần đa dạng hóa hình thức công khai; có cơ chế tiếp nhận và xử lý đơn thư phản ánh, kiến nghị, tố cáo trong lĩnh vực này, qua đó phát huy vai trò giám sát của cộng đồng, ngăn chặn việc che giấu tài sản tham nhũng.
Cùng với đó là tăng cường thanh tra, giám sát việc kê khai tài sản, công khai thu nhập của cán bộ, công chức ở các cơ quan công quyền, các lĩnh vực “nhạy cảm” dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm khắc các trường hợp kê khai không trung thực. Từ đó buộc những người có chức vụ, quyền hạn phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản và chịu sự kiểm soát chặt chẽ của pháp luật.
Mặt khác, các cơ quan chức năng cần xây dựng cơ chế kiểm soát thu nhập của những người thân (cha, mẹ, con, anh, chị, em) các cán bộ, công chức có chức vụ, để ngăn chặn tình trạng nhờ đứng tên, tẩu tán tài sản; làm rõ trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra sai phạm, làm thất thoát tài sản. Cùng với đó là tăng cường chuyển đổi số, xây dựng dữ liệu quốc gia, hướng tới kiểm soát tài sản, thu nhập của công chức cấp cao bằng việc sử dụng công nghệ số.
Kiểm tra, giám sát kê khai tài sản, công khai thu nhập, làm rõ nguồn gốc tài sản là giải pháp cảnh báo, răn đe để mỗi cán bộ, công chức không dám, không thể không kê khai trung thực, góp phần ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.