Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm rõ hơn khái niệm đơn vị sự nghiệp công lập

H.V| 26/10/2010 11:15

(HNMO) – Thảo luận tại hội trường sáng 26/10 về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật viên chức, các đại biểu QH quan tâm nhiều đến các quy định về khái niệm và quyền của các đơn vị sự nghiệp công lập.


Chỉ điều chỉnh đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập


Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật viên chức  của Ủy ban thường vụ Quốc hội ủng hộ quan điểm dự luật chỉ điều chỉnh đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo quan điểm của UBTVQH, cho dù cùng thực hiện các hoạt động cung ứng dịch vụ trong những lĩnh vực giống nhau, nhưng điểm khác biệt quan trọng và cơ bản nhất giữa hai nhóm đối tượng này là về phương diện quản lý. Đối với viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, người sử dụng lao động trực tiếp hay gián tiếp chính là Nhà nước. Vì thế, cơ chế tuyển dụng, sử dụng, quản lý, chế độ, chính sách đối với viên chức trong các đơn vị này không thể giống với các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và Nhà nước hoàn toàn có thể quy định một số nghĩa vụ mang tính chất ràng buộc đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong khi đó, các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập đang được tổ chức và hoạt động chủ yếu theo mô hình doanh nghiệp; việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng lao động trong các đơn vị này cơ bản dựa trên quan hệ lao động theo quy định của Bộ luật lao động. Do vậy, không thể xây dựng cơ chế pháp lý chung cho việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng đối với các loại đối tượng này.

Hơn nữa, Luật viên chức cũng chỉ quy định những vấn đề có tính khái quát về viên chức, cơ chế quản lý và sử dụng viên chức mà không quy định về các hoạt động nghề nghiệp của viên chức. Bởi vì, các nội dung liên quan đến hoạt động nghề nghiệp trong các đơn vị sự nghiệp cả khu vực công lập và khu vực ngoài công lập đã được điều chỉnh trong các văn bản về ngành, lĩnh vực như Luật giáo dục, Luật khám bệnh, chữa bệnh, Luật thể dục, thể thao, Luật khoa học và công nghệ… Có như vậy, mới có thể giải quyết mối quan hệ giữa Luật này với các văn bản pháp luật quy định về hoạt động nghề nghiệp của viên chức trong các ngành, nghề cụ thể, tránh sự mâu thuẫn, chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Về viên chức, Ủy ban thường vụ Quốc hội làm rõ hơn khái niệm này như sau: “Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo chế độ hợp đồng làm việc, được bổ nhiệm vào một chức danh nghề nghiệp tại các đơn vị sự nghiệp công lập, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.”

Về phân loại đơn vị sự nghiệp công lập, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, mục đích của việc phân loại đơn vị sự nghiệp công lập trong dự thảo Luật này là nhằm tạo căn cứ cho việc xác định cơ chế thích hợp trong quản lý, sử dụng viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập có quy mô, tổ chức, tính chất hoạt động khác nhau, thuộc các lĩnh vực, địa bàn khác nhau. Do vậy, việc xác định đơn vị sự nghiệp công lập thuộc loại nào sẽ không đơn thuần chỉ căn cứ vào khả năng bảo đảm chi phí hoạt động của đơn vị hay mức độ tự chủ về tài chính như hiện nay mà cần căn cứ vào đặc điểm, tính chất của từng lĩnh vực hoạt động sự nghiệp, điều kiện thực tế, yêu cầu quản lý đối với mỗi loại hình đơn vị sự nghiệp cũng như trình độ, năng lực quản lý tại các đơn vị này. Riêng về phương diện quản lý tổ chức bộ máy và nhân sự thì đơn vị sự nghiệp công lập nào cũng được giao quyền tự chủ, chỉ khác nhau về mức độ giao quyền.

Vì vậy, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho tiếp thu và chỉnh lý quy định dự thảo Luật theo hướng phân các đơn vị sự nghiệp công lập thành hai loại: Đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, về tài chính, về tổ chức bộ máy, nhân sự; Đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, về tài chính, về tổ chức bộ máy, nhân sự. Trên cơ sở phân loại đó mà xác định cơ chế quản lý viên chức đối với từng loại hình đơn vị sự nghiệp công lập.


Về việc thành lập Hội đồng quản lý tại đơn vị sự nghiệp công lập, Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành với việc cần tổ chức Hội đồng quản lý tại đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên để phù hợp với tính chất đa dạng của các loại hình đơn vị sự nghiệp, đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ, căn cứ vào điều kiện cụ thể, yêu cầu quản lý đối với mỗi loại hình đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực để quy định việc thành lập, cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản lý phù hợp cho đơn vị sự nghiệp công lập; quy định mối quan hệ giữa Hội đồng quản lý với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

Phải làm rõ khái niệm đơn vị sự nghiệp công lập

Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) tán thành với dự thảo luật. Đánh giá quy định phân loại đơn vị sự nghiệp công lập thành 2 loại: được giao quyền tự chủ hoàn toàn và chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn là hợp lý nhưng đại biểu Út cho rằng, việc quy định việc đơn vị sự nghiệp công lập chưa được tự chủ hoàn toàn không được thành lập hội đồng quản lý là bất cập.

“Việc có hội đồng quản lý vẫn tốt hơn, như vậy tránh sự lạm quyền, mất dân chủ. Theo tôi, chúng ta nên thành lập Hội đồng quản lý ở tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập”, đại biểu Út nói.

Đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau) cũng tán thành ý kiến của đại biểu Danh Út. Theo đại biểu Lợi, chủ trương của Đảng và Nhà nước là đơn vị sự nghiệp công lập phải hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, do đó việc thành lập Hội đồng quản lý ở các đơn vị sự nghiệp công lập là cần thiết.

Quan niệm người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công cũng chính là người quản lý, điều hành, đại biểu Nguyễn Đức Mạnh (Bình Phước) cho rằng, người đứng đầu cần được giao sự tự chủ.

“Tất nhiên, chúng ta cần có cơ chế giám sát, kiểm tra, nhưng chúng ta không nên bó hẹp trong khái niệm Hội đồng quản lý, có thể có cơ quan chuyên môn đánh giá lại hoặc giúp cho đơn vị sự nghiệp công lập đó…”, đại biểu mạnh nói.

Ở một góc độ khác, đại biểu Trần Du Lịch (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, dự luật cần có quy định về tính tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công, chứ không đơn giản chỉ chia các đơn vị sự nghiệp ra 2 loại nhưng không rõ tính chất tự chủ như thế nào.

“Chúng ta quy định dựa trên các tiêu chí nào? Hay đơn vị nào nhiều tiền thì tự chủ cao, ít tiền thì tự chủ ít? Nếu vậy thì không ổn”, đại biểu Lịch nói.

Cũng theo đại biểu Lịch, dự luật này có một điều không ổn, thậm chí khiến ông lo lắng bởi không khéo nó sẽ gây ra trục trặc cả hệ thống đó là chưa có quy định rõ ràng khái niệm về đơn vị sự nghiệp công và chế định địa vị pháp lý của nó trong hệ thống như thế nào. Đại biểu Lịch đề nghị, luật cần dành hẳn 1 chương quy định vấn đề này, từ đó mới có quy định về viên chức trong đơn vị sự nghiệp công.

Tán thành quan điểm này, đại biểu Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang) cũng đề nghị cần có một chương quy định rõ khái niệm đơn vị sự nghiệp công lập với các tiêu chí rõ ràng.

“Việc định nghĩa đơn vị sự nghiệp công lập trong dự luật này là rất quan trọng. Đó là đơn vị do Nhà nước thành lập và cung cấp dịch vụ công cho xã hội”, đại biểu Quách Cao Yềm (Kon Tum) nói.

Với việc định rõ khái niệm như vậy thì đại biểu Yềm cho rằng mới có thể có quy định về viên chức như trong dự thảo luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm rõ hơn khái niệm đơn vị sự nghiệp công lập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.