Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực

Đình Hiệp - Tiến Thành| 22/10/2022 12:21

(HNMO) - Sáng 22-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023; việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh.

 Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ sáng 22-10.

Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) bày tỏ sự nhất trí cao với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Mặc dù chịu nhiều tác động của dịch Covid-19, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn. Thành công này là nhờ chúng ta triển khai bài bản, khoa học và linh hoạt trong phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời, nắm bắt được các thời cơ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng nêu các quan ngại lớn khi chưa bao giờ các cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc nhiều như hiện nay; các bệnh viện thiếu sinh phẩm, vật tư y tế, còn nhiều vướng mắc trong thanh toán bảo hiểm, đấu thầu mua sắm vật tư y tế.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ quan ngại khi thời gian qua, có quá nhiều cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật bị xử lý. Cùng với đó, công tác giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng qua còn quá chậm khi chỉ đạt 46,7% kế hoạch của năm 2022.

 Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) thảo luận tại tổ.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, báo cáo của Chính phủ đã thể hiện sự khách quan, đúng mực, thẳng thắn, nhận diện rõ bài học trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, ổn định kinh tế vĩ mô là quan điểm chủ đạo, không chạy theo mục tiêu tăng trưởng. Các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ phục hồi kinh tế đã phát huy hiệu quả.

Thực tế cho thấy, hầu hết các nền kinh tế rơi vào lạm phát cao là do thực hiện hỗ trợ bằng biện pháp “bơm tiền”, nhưng Việt Nam hỗ trợ bằng tài khóa như hỗ trợ giãn, hoãn thuế...

 Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) phát biểu.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ vui mừng với báo cáo của Chính phủ về kết quả phát triển kinh tế - xã hội đạt được trong bối cảnh nhiều khó khăn. Dự báo năm 2022, tăng trưởng giảm dần, lạm phát tiếp tục tăng cao trên thế giới, đại biểu cho rằng, năm nay, đất nước đã nỗ lực rất đáng trân trọng, giúp chúng ta có động lực hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Nhận định tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 còn một số tồn tại nhất định, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị quyết liệt hơn trong ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời, tái cấu trúc thị trường tài chính, bất động sản, bảo đảm thể chế rõ ràng, minh bạch để kiểm soát thị trường trái phiếu; đẩy nhanh xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, xem xét thu hút FDI một cách chọn lọc; điều hành thị trường xăng dầu hiệu quả hơn, rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu, không để thiếu nguồn cung xăng dầu cục bộ.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Đoàn Lai Châu) cho rằng, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, kinh tế phục hồi và phát triển, dự kiến năm 2022 vượt kế hoạch thu ngân sách. Cử tri, nhân dân và các đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Góp ý vào vấn đề cụ thể, đại biểu Hoàng Quốc Khánh cho biết, cử tri băn khoăn trong 2,5 năm qua, có gần 40.000 công chức, viên chức xin nghỉ việc, chuyển việc. Trong đó, đáng lưu tâm nhất là công chức, viên chức ngành giáo dục và y tế. Theo đại biểu, vừa qua, việc tuyển dụng của hai ngành này rất khó. Trong đó, có nhiều nguyên nhân nhưng lý do chính vẫn là áp lực công việc và thu nhập thấp.

 Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Đoàn Lai Châu) thảo luận tại tổ.

Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) cho biết, khi tiếp xúc cử tri tại Hà Nội, đã nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, với mong muốn Đảng và Nhà nước ta chú trọng hơn nữa trong phát triển nông nghiệp - nông thôn.

Cử tri cũng bày tỏ băn khoăn về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao hiện nay khi tại các khu vực nông thôn, chỉ còn người già, còn thanh niên thì không mặn mà với lĩnh vực này. Vì thế, Chính phủ cần sớm có các giải pháp căn cơ để tháo gỡ tình trạng này, cần có chính sách đặc thù cho Hà Nội để xây dựng nền nông nghiệp đặc trưng của Thủ đô.

Đại biểu Lê Quân (Đoàn Hà Nội) phân tích các thách thức toàn cầu và cho rằng cần lưu ý các thách thức nội tại của nền kinh tế trong nước như dòng tiền cho tiêu dùng có thể gián đoạn; vấn đề du lịch, dịch vụ thời hậu Covid-19; vấn đề nợ xấu, đặc biệt là dư nợ cho vay bất động sản.

Đề cập đến vấn đề xăng dầu, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng, nhìn rộng ra đó là an ninh năng lượng. "Tại sao cả nước chỉ có thành phố Hồ Chí Minh tình hình xăng dầu lại thiếu cục bộ như thế. Vấn đề dự trữ năng lượng có được đặt ra để đầu tư cơ sở hạ tầng cho tương xứng hay không?”, đại biểu nêu vấn đề.

 Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu.

Các đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Nguyễn Tri Thức (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đề cập đến những việc xảy ra với ngành Y tế và đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về giải pháp giải quyết tức thì khó khăn của ngành này trước khi chờ sửa đổi các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) nhận định, giải ngân đầu tư công chưa xử lý được căn cơ, trong đó vấn đề cốt lõi là liên quan đến luật, bên cạnh trách nhiệm của tập thể, cá nhân. Đại biểu cũng cho rằng, dự kiến thu ngân sách thấp trong khi dự kiến tăng trưởng GDP cao là không hợp lý, cần thống nhất nguyên tắc xây dựng dự toán chỉ tiêu thu ngân sách bảo đảm phản ánh đúng tiềm năng.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị xem lại thể chế về tiền lương và thu nhập vì hiện nay, đây cũng là lực cản trong việc thu hút nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong ngành y tế, giáo dục. Đồng tình với việc tăng lương cơ bản sớm, đại biểu cho rằng, cán bộ, công chức, viên chức có mức lương chính thức không đủ sống thì phải được ưu tiên tăng sớm, không tăng dàn đều. Đại biểu cũng đề nghị xác định mức sống tối thiểu, cơ bản để có cách nhìn nhận hợp lý về lương cơ sở.

Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Đoàn Bạc Liêu) cho biết, rất phấn khởi với việc Quốc hội sẽ bàn và quyết định từ 1-7-2023 tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng.

“Cử tri cũng kiến nghị tăng lương cơ sở là rất quý nhưng làm sao để bình ổn giá cũng quan trọng. Nếu như giá cả ổn định thì vấn đề tăng lương cơ sở mới có giá trị”, đại biểu Nguyễn Huy Thái nhấn mạnh.

Thảo luận ở tổ về Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh, các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với việc gia hạn 1 năm để tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời cho rằng, việc chuẩn bị dự thảo Nghị quyết mới phải toàn diện hơn, mạnh mẽ hơn, với tinh thần phân cấp, phân quyền, giải quyết các vướng mắc mà thành phố đang gặp phải mà luật chưa quy định, hoặc đã quy định nhưng chưa rõ ràng, chồng chéo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.