(HNM) - Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân đặt ra đòi hỏi ngày càng cao...
Cán bộ chủ chốt thành phố trong một buổi học nghị quyết do Thành ủy Hà Nội tổ chức.Ảnh: Bá Hoạt |
Tuyên truyền, vận động là việc làm đầu tiên
Thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU, ngày 4-7-2017, của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”, ngành Tuyên giáo thành phố đã chủ động rà soát, xem xét về tình hình công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cùng với việc khẳng định những kết quả đạt được, những hạn chế còn tồn tại đã được chỉ rõ.
Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, không ít trường hợp khi địa phương nảy sinh việc mới, việc phức tạp, vẫn lúng túng trong triển khai, tổ chức và phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền; chưa kể có cả hiện tượng cán bộ giảm sút tinh thần chiến đấu, né tránh việc khó, không dám trực diện đấu tranh. “Tuyên truyền, vận động, thuyết phục, công khai, định hướng thông tin tạo dư luận là nhiệm vụ của ngành Tuyên giáo. Chúng ta phải quyết tâm và đổi mới để thực hiện tốt nhiệm vụ này” - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nêu rõ.
Nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại đó, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã triển khai hướng dẫn về công tác thông tin, tuyên truyền trong việc giải quyết “điểm nóng” và các vụ việc phức tạp ở cơ sở. Vừa ban hành văn bản hướng dẫn chung nhằm tăng cường nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan tuyên giáo các cấp; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy vừa xuống cơ sở, trực tiếp trao đổi, thống nhất giải pháp đối với các vụ việc cụ thể. Trong đó, quan điểm của Ban là: “Quá trình giải quyết “điểm nóng” phải coi công tác tuyên truyền, vận động là việc làm đầu tiên, quan trọng. Việc này phải gắn với tổ chức thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và bảo đảm quyền tự do, dân chủ của người dân”.
Hệ thống tuyên giáo thành phố đang tích cực triển khai vận dụng hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Thành ủy vào thực tiễn ở cơ sở. Những kết quả bước đầu đáng khích lệ trong giải quyết các vụ việc phức tạp có nguy cơ trở thành “điểm nóng” ở các quận, huyện, thị xã như Hà Đông, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Hoàn Kiếm… vừa qua, có vai trò tích cực của cơ quan tuyên giáo.
Cần sự đồng bộ, sáng tạo
Công tác tuyên giáo nói chung và công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng tư tưởng cán bộ, đảng viên và người dân là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị.
Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Sơn Tây Vũ Dư Hùng, tuyên truyền sẽ khó có thể thuyết phục được ai nếu việc giải đáp những kiến nghị của người dân không đi được đến cùng của vấn đề. Vì nếu không giải quyết được tận gốc thì không “thông” được ngay đối với cán bộ, chưa nói đến việc tuyên truyền thuyết phục người dân. Do đó, điều quan trọng nhất để tuyên truyền tháo gỡ “điểm nóng” là sự vào cuộc đồng bộ, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp liên quan.
Đồng quan điểm này, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Long Biên Nguyễn Thế Thạch cho rằng: “Để tuyên truyền tới nhân dân thành công, trước hết phải tuyên truyền để tạo sự thống nhất trong nội bộ cấp ủy, chính quyền, trong cán bộ, đảng viên. Vì vậy, việc giải quyết “điểm nóng” cần gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Thực tế tại Long Biên, cùng với việc tuyên truyền, cấp ủy cơ sở đã đẩy mạnh kiểm điểm tự phê bình và phê bình, có biện pháp nghiêm khắc về công tác cán bộ đối với người có biểu hiện vi phạm kỷ cương, kỷ luật. “Khi cán bộ, đảng viên đã thống nhất, việc tuyên truyền cho người dân mới có thể thực hiện thành công” - đồng chí Nguyễn Thế Thạch khẳng định.
Mấu chốt của công tác tuyên truyền giải quyết “điểm nóng” trước hết là coi trọng tuyên truyền kết quả giải quyết; tiếp đến là nắm chắc dư luận xã hội trong suốt quá trình giải quyết vụ việc; đồng thời tiếp cận địa bàn, gắn với đề xuất giải pháp công tác tuyên truyền, thậm chí đề xuất sang cả lĩnh vực khác sao cho bảo đảm đồng bộ, nhịp nhàng giữa các lực lượng. Việc tham mưu với cấp ủy, chính quyền tiếp xúc, đối thoại với nhân dân bảo đảm có đầy đủ thông tin, hướng giải quyết, người đối thoại có thẩm quyền quyết định các vấn đề liên quan. Bên cạnh đó, mỗi giai đoạn tuyên truyền cần xác định rõ lực lượng triển khai và phương châm thực hiện cụ thể. Cơ quan tuyên giáo các cấp xây dựng đội ngũ cộng tác viên ở từng địa bàn nhằm hỗ trợ hiệu quả trong quá trình thực thi nhiệm vụ; đồng thời quan tâm đến thông tin, tuyên truyền qua internet.
Hơn 200 vụ việc phức tạp trên địa bàn Hà Nội đã được thống kê, mỗi vụ việc lại có những đặc điểm riêng. Vì vậy, quy trình hướng dẫn công tác thông tin, tuyên truyền được Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội triển khai là nền tảng để cơ quan tuyên giáo các cấp thực hiện nhiệm vụ. Việc vận dụng vào mỗi vụ việc để tuyên truyền bảo đảm có sức mạnh đòi hỏi sự sáng tạo và tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của mỗi cán bộ tuyên giáo các cấp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.