Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỳ vọng về một Thủ đô xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại

Vương Tuấn Anh| 11/12/2016 06:54

(HNM) - Thủ đô Hà Nội đẹp và quyến rũ bởi sự kết hợp hài hòa giữa không gian đô thị với cảnh quan thiên nhiên, mặt nước và cây xanh. Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050



Quy hoạch được thực hiện công phu và bài bản

- Thưa ông, nói đến quy hoạch của Hà Nội, thấy rõ có rất nhiều việc phải làm, bao gồm quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết. Kể từ khi Quy hoạch chung của Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 đến nay, Hà Nội cũng đã triển khai nhiều nội dung trong công tác trên. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

- Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 được thực hiện công phu và bài bản cho một đô thị hiện đại khoảng 10 triệu dân, với mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành thành phố xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại. Về quy mô đất đai, đến năm 2030, đất dành cho xây dựng là 94.700ha, chiếm khoảng 30% diện tích tự nhiên. 70% diện tích đất tự nhiên còn lại của thành phố được dành cho không gian xanh. Trên cơ sở quy hoạch chung, Hà Nội đã triển khai quy hoạch khu đô thị trung tâm, quy hoạch các đô thị vệ tinh, các đô thị sinh thái, cũng như triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để phục vụ cho công tác xây dựng và quản lý đô thị. Đặc biệt năm vừa qua, Hà Nội đã huy động được đội ngũ tư vấn giàu kinh nghiệm để làm quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị. Đồng thời, thành phố đã phối hợp với các bộ, ngành chức năng triển khai thiết kế những quy hoạch chuyên ngành như hệ thống giao thông đô thị, hệ thống cây xanh, mặt nước, hệ thống y tế, giáo dục... Hà Nội cũng đang triển khai quy hoạch xây dựng nhiều dự án quan trọng như xây dựng các công viên, trong đó có 1-2 công viên cỡ Disneyland hàng nghìn tỷ đồng (Công viên Kim Quy ở Đông Anh). Việc triển khai trồng 1 triệu cây xanh cũng là cố gắng lớn của thành phố.

Mặt khác, Hà Nội cũng đã chú trọng phân loại, quản lý di sản kiến trúc tốt hơn; đã tập trung thiết kế đô thị một số tuyến đường quan trọng như đường Tràng Tiền, Tràng Thi, Điện Biên Phủ và khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm; đã quy hoạch Đại lộ Võ Nguyên Giáp từ cầu Nhật Tân đến Sân bay Nội Bài để tiến hành sắp xếp các dự án trên tuyến đường này nhằm phục vụ cho sự phát triển ở cửa ngõ Thủ đô. Hà Nội cũng triển khai được các vấn đề về cấp nước, thoát nước, chú trọng công tác xử lý kỹ thuật những trạm bơm lớn, khơi thông dòng chảy, nạo vét các sông, hồ, làm đẹp cảnh quan để tạo môi trường tốt hơn...

- Việc siết chặt kỷ cương, trật tự văn minh đô thị để thực hiện tốt quy hoạch đề ra cần được triển khai như thế nào?

- Tôi cho rằng, kỷ cương và văn minh đô thị các năm vừa qua được thực hiện rất quyết liệt. Trong đó, tôi đánh giá rất cao về việc xây dựng quy chế quản lý những khu đô thị quan trọng như khu phố cổ, phố cũ, khu Ba Đình lịch sử, khu vực hồ Tây và một số khu đô thị khác. Rõ ràng việc xây dựng những quy chế đó đã đem lại những kết quả bước đầu như tổ chức triển khai được phố đi bộ xung quanh Hồ Gươm vào những ngày cuối tuần. Không gian đi bộ quanh Hồ Gươm đã được nhân dân cả nước và khách quốc tế nhiệt liệt hưởng ứng, làm nổi bật được sinh hoạt văn hóa, văn minh của Thủ đô. Việc Hà Nội đã có quy định về chiều cao của các công trình xây dựng ở khu vực nội đô lịch sử là một quyết tâm lớn nhưng cần hạn chế vấn đề mật độ xây dựng nhà cao tầng khu vực này. Những vấn đề về trật tự giao thông đô thị như quản lý vỉa hè, hệ thống biển hiệu quảng cáo đã triển khai và mang lại hiệu quả bước đầu. Ví dụ như việc đồng bộ hóa trong thiết kế biển quảng cáo, quy hoạch vỉa hè trên đường Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) đã góp phần tạo nên được hình ảnh đường phố kiểu mẫu để rút kinh nghiệm cho những tuyến phố khác. Việc đánh giá, quy hoạch, phân loại, đầu tư cho bãi xe cũng được chú trọng và triển khai...

- Mặc dù Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được kế thừa và tiếp thu những nguyên tắc xây dựng đô thị tiên tiến nhưng một môi trường đô thị xanh - sạch vẫn là mong muốn của người dân. Bởi lẽ, Hà Nội vẫn đang phải chịu những hệ lụy của quá trình đô thị hóa... Chúng ta nên làm gì để khắc phục tình trạng này, thưa ông?

- Khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính thì các đô thị vệ tinh như Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên chưa bị đô thị hóa nhanh nên vẫn giữ được không gian cây xanh và mặt nước. Nhưng khu vực đô thị hạt nhân thì đã chịu sức ép rất lớn bởi mật độ xây dựng dày đặc nên giao thông tắc nghẽn, mưa lớn là bị ngập, môi trường bị ô nhiễm. Đặc biệt, việc thực hiện quy hoạch để đưa một phần các cơ quan, trường đại học, bệnh viện ra ngoài nội đô không quyết liệt, thậm chí còn xây thêm công trình nên càng gây áp lực về hạ tầng đô thị cho khu vực trung tâm. Để khắc phục tình trạng này, phải nghiêm túc thực hiện đúng với quy hoạch và quy chế quản lý đã được phê duyệt. Muốn vậy, phải có quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết rất cụ thể đối với việc quản lý xây dựng nhà cao tầng, cũng như các dự án cần di chuyển thì phải được quản lý tốt để tạo nên môi trường cảnh quan kiến trúc, cây xanh, công viên, công trình cộng đồng để phục vụ đô thị theo quản lý quy hoạch.

Nỗ lực để đạt mục tiêu

- Đô thị xanh, đô thị thông minh là một trong những tầm nhìn chiến lược trong mục tiêu xây dựng và phát triển đô thị của Việt Nam ở thế kỷ XXI, trong đó có Hà Nội. Ông có thể nói rõ tiêu chí xanh, thông minh mà Thủ đô cần hướng tới?

- Muốn có đô thị xanh, chúng ta có thể nghiên cứu để sử dụng theo tiêu chuẩn của Liên minh Châu Âu (EU), tức là có 7 tiêu chí bao gồm: Phải có không gian xanh, tỷ lệ cây xanh cao, nhiều diện tích không gian công cộng, mặt nước; có công trình xanh - chất lượng của công trình tốt thân thiện với môi trường và năng lượng sạch; giao thông xanh - giảm thiểu khí thải CO2, hệ thống giao thông công cộng phải tốt; tiếp theo là công nghiệp xanh - công nghiệp hiện đại, công nghệ cao; chất lượng của môi trường đô thị xanh - không có tiếng ồn, không khói bụi; bảo tồn và phát huy các giá trị hình ảnh về kiến trúc đô thị, danh lam thắng cảnh; cộng đồng dân cư phải đạt được tiêu chí thân thiện với môi trường. Còn để trở thành một đô thị thông minh thì trước hết phải kết nối được không gian đô thị và công nghệ thông tin hiện đại thông qua một trung tâm điều hành chung. Đô thị thông minh sẽ làm cho cuộc sống của con người dễ dàng hơn, môi trường sinh hoạt an toàn và thoải mái hơn như TP Songdo, Incheon của Hàn Quốc...

- Như vậy, để Hà Nội trở thành đô thị thông minh chắc chắn không dễ dàng và sẽ có rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải vượt qua?

- Việc hướng tới đô thị thông minh là mục tiêu chung của tất cả các nhà quản lý, nhưng với quy mô dân số của Thủ đô như hiện nay thì đây là một thách thức rất lớn. Tuy nhiên, trong tương lai Hà Nội vẫn có thể nghiên cứu đưa các khu vực đô thị vệ tinh và các khu chức năng quan trọng có thể trở thành khu đô thị thông minh. Ví dụ các khu như Sơn Tây, Phúc Thọ, Xuân Mai, Sóc Sơn; hoặc khu Linh Đàm, Ciputra, Sài Đồng... Vì vậy, ngay từ bây giờ trong công tác quy hoạch và phát triển cần phải tính đến việc thiết kế đô thị xanh, thông minh. Ở khu nội đô lịch sử cũng có thể chọn những khu vực quan trọng như Ba Đình, Hoàn Kiếm đưa dần công nghệ thông tin hiện đại vào để hướng tới quản lý theo tiêu chí thông minh.

- Theo ông, để có được đô thị xanh, thông minh trong tương lai không xa, cần tiến hành những giải pháp đồng bộ như thế nào?

- Tôi nghĩ rằng, để Hà Nội trở thành một đô thị xanh và một phần là đô thị thông minh thì trước hết thành phố phải rà soát lại toàn bộ công tác quy hoạch và quy chế quản lý đô thị. Trong đó đặc biệt chú trọng đến quy hoạch của vùng nội đô lịch sử và phần mở rộng, phải quan tâm đến quản lý đất đai, không gian đô thị, hệ thống hạ tầng đô thị; sau đó phải xem xét việc di dời những khu công nghiệp, bến bãi gây ô nhiễm ra khỏi đô thị; đồng thời bổ sung vào quy hoạch đô thị tăng diện tích cây xanh, mặt nước công viên, vườn hoa, các công trình phục vụ công cộng như nhà văn hóa, sân chơi cho trẻ em...; cương quyết không cấp phép cho các dự án xây nhà ở khu vực trung tâm nhằm giảm mật độ dân cư. Quy hoạch trồng cây xanh cần đi đôi với việc lựa chọn cây, từ sắc màu hoa, trái của các tuyến phố, công viên cho phù hợp. Hai là xem xét lại vấn đề giao thông công cộng đô thị để nhanh chóng đưa hệ thống đường sắt, xe buýt nhanh BRT vào hoạt động, tăng cường thêm xe buýt, bến đỗ, bãi đỗ xe công cộng và giảm thiểu lượng xe máy. Với các hệ thống như thoát nước, cấp điện, các loại đường ống kỹ thuật khác cần sớm được hoàn thiện và có quy chế, chế tài quản lý rất chặt chẽ. Bên cạnh đó là xem xét và quy hoạch lại hệ thống biển quảng cáo trong đô thị, có thiết kế quảng cáo cho tất cả các đường phố một cách khoa học. Đặc biệt là phải có quy chế quản lý về vỉa hè, trong đó có việc kết hợp với thoát nước mưa, kiên quyết không để vỉa hè là nơi làm kinh tế quá lộn xộn như hiện nay mà phải là nơi giao tiếp cộng đồng với văn hóa đô thị. Đồng thời phải thiết kế các công trình trong quá trình cải tạo hài hòa và có bản sắc. Nghiêm cấm để xảy ra tình trạng xây nhà siêu mỏng, siêu méo như hiện nay.

Một vấn đề nữa là cần quan tâm đến việc đào tạo, nâng cao trình độ của cán bộ quản lý đô thị từ cấp quận, huyện đến phường, xã. Đó là những người thực sự tâm huyết, có trình độ quản lý, hiểu biết về công tác đô thị, có tâm, có tầm, biết lắng nghe ý kiến của người dân và phải công khai, minh bạch quy hoạch, dự án cũng như những việc làm của mình để dân biết và tham gia góp ý.

- Cảm ơn ông về nội dung đã trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ vọng về một Thủ đô xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.