Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỳ vọng và thách thức

Thùy Dương| 29/09/2015 06:33

(HNM) - Với thông điệp, tất cả các quốc gia chung tay gây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, từ ngày 25 đến 28-9, Hội nghị Thượng đỉnh về Phát triển bền vững của Liên hợp quốc (LHQ) diễn ra tại New York, Mỹ.


Đây là hội nghị lớn nhất kể từ Hội nghị Thượng đỉnh năm 2000, khi LHQ thông qua các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDGs). Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, thách thức về hòa bình, an ninh và phát triển ngày càng gay gắt, lãnh đạo của 193 quốc gia thành viên LHQ đã thông qua chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 với tên gọi: "Chuyển đổi thế giới của chúng ta: Chương trình nghị sự phát triển đến năm 2030 vì sự phát triển bền vững".

Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc trong 15 năm tới là chấm dứt tình trạng nghèo đói cùng cực trên thế giới.



Trên nền tảng của 8 mục tiêu thiên niên kỷ được đưa ra từ năm 2000, LHQ đã đề ra chương trình nghị sự cho 15 năm tiếp theo được phát triển thành 17 mục tiêu phát triển bền vững và 169 chỉ tiêu, nhằm đạt được những bước tiến trên 3 khía cạnh: Xóa hẳn nghèo đói cùng cực; chống bất bình đẳng, bất công bằng; chống biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên biển. Các mục tiêu cho 15 năm tới dựa trên những kết quả khả quan được các nước thành viên thực hiện từ năm 2001 đến nay. Đây cũng là kết quả của một quá trình đàm phán suốt hơn hai năm qua, thu hút sự tham gia với số lượng lớn chưa từng có của các tổ chức xã hội dân sự. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon hoan nghênh thỏa thuận này và khẳng định, đây sẽ là "một chương trình nghị sự toàn cầu có tính phổ quát, thích ứng với những biến đổi và tích hợp hiệu quả - báo hiệu một bước ngoặt lịch sử cho thế giới".

Đánh giá về chương trình này, nhà ngoại giao Hàn Quốc Lee Yong-soo cho rằng, mục tiêu phát triển bền vững là một chương trình toàn cầu bởi nó sẽ tác động tới cả các nước phát triển lẫn các nước đang phát triển và có tác dụng "biến đổi" lớn. Vì, các mục tiêu sẽ tiến gần tới việc xóa bỏ đói nghèo, hướng tới triển vọng tươi đẹp cho nền kinh tế - xã hội và môi trường toàn cầu. Đến năm 2030, sự nghèo đói cùng cực của con người phải được chấm dứt. Tỷ lệ nghèo của mỗi quốc gia phải giảm ít nhất là 50%. Trên thế giới hiện nay có hơn 1 tỷ người chỉ sống bằng số tiền tương đương 1,25 USD/ngày. Đây là mức nghèo cùng cực theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới (WB).

Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng đạt được điều kiện để thực hiện ý tưởng tốt đẹp vừa được các nhà lãnh đạo thông qua tại New York. Mâu thuẫn và xung đột vẫn chưa chấm dứt trên thế giới. Các điểm "nóng" như Iraq, Syria và vùng Bắc Phi... cùng các hệ lụy cho thấy, vai trò giữ gìn hòa bình của LHQ vẫn chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Thậm chí, mâu thuẫn lợi ích đang kéo theo sự rạn nứt trong quan hệ giữa các nước lớn. Bất ổn chính trị đã làm trỗi dậy các tổ chức khủng bố cực đoan như Al-Qaeda trước đây và Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hiện nay. Thế giới muốn có hòa bình thì phải phát triển, nhưng sự phát triển phải diễn ra trong môi trường hòa bình. Trên phạm vi toàn cầu, các quốc gia đã không ngừng theo đuổi hai nhiệm vụ này. Tự thân LHQ luôn góp phần vào sự phát triển và duy trì nền hòa bình thế giới. Thế nhưng, hiệu quả như mong muốn trên phạm vi rộng lớn mà LHQ bao quát lại chưa đạt được. Đó là sự thịnh vượng chung trên toàn cầu. Việc phân bố của cải cũng như kinh tế phát triển không đồng đều trên thế giới ngót một thế kỷ qua không được khỏa lấp và vẫn tiếp diễn đã sản sinh những "nguồn lực" không mong đợi, gây nguy cơ bất ổn. Đó là chủ nghĩa khủng bố. Bên cạnh đó, LHQ ước tính, để đạt được những mục tiêu tham vọng vào năm 2030 nêu trên, thế giới cần 5 nghìn tỷ USD/năm. Theo đó, các nước thành viên LHQ cần phải "chia sẻ trách nhiệm" nhiều hơn với những mục tiêu sau năm 2015 này. Trước mắt, các nước phát triển nên cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) như đã hứa; đồng thời các nước đang phát triển cần có nhiều nỗ lực hơn.

Với tư cách là "ngôi nhà chung" của gần 200 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới, suốt 70 năm qua, LHQ luôn tiên phong trong công cuộc duy trì hòa bình và bảo đảm an ninh thế giới; đồng thời thúc đẩy đời sống quốc tế trên mọi lĩnh vực. Vượt lên những xung đột và cạnh tranh khốc liệt, LHQ luôn là nơi tin cậy với tầm mức rộng lớn không thể so sánh để các quốc gia gặp gỡ, đối thoại và kiếm tìm hòa bình trên bình diện đa phương. Do đó, cộng đồng quốc tế đã và tiếp tục đặt nhiều kỳ vọng cho mục tiêu phát triển bền vững vừa được LHQ thông qua. Và, chính kỳ vọng to lớn ấy sẽ là thách thức không nhỏ trong "ngôi nhà chung" của hành tinh trong 15 năm tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kỳ vọng và thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.