Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỳ vọng một cơ chế đặc thù để xây dựng, phát triển Thủ đô

Nhóm PV Ban bạn đọc| 17/11/2010 06:48

(HNM)- Ngày 16-11, Quốc hội chính thức thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thủ đô và dự kiến thông qua vào kỳ họp sau. Việc lần đầu tiên xây dựng một dự thảo luật với nhiều cơ chế đặc thù dành riêng cho Thủ đô đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của đông đảo người dân. Hànộimới xin ghi lại một số ý kiến của bạn đọc xung quanh vấn đề này.


Chị Đặng Thúy Quỳnh (phường Tứ Liên, quận Tây Hồ): Nên di dời các trường đại học, bệnh viện, nhà máy... ra khỏi nội đô


Thủ đô Hà Nội ngày càng được xây dựng khang trang và hiện đại. Ảnh: Huy Hùng

Qua theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng và nghiên cứu dự thảo Luật Thủ đô, tôi hoàn toàn ủng hộ việc cần thiết phải ban hành dự luật này. Song, một vấn đề khiến tôi băn khoăn là trong cả 4 chương, 35 điều của dự luật, cơ quan soạn thảo vẫn chưa làm rõ được tính đặc thù, khác biệt của Hà Nội so với các địa phương trên cả nước, từ đó làm cơ sở cho việc xây dựng dự thảo Luật Thủ đô. Để làm được điều này, các nhà soạn thảo cần phải có được cái nhìn tổng thể về quy hoạch, hướng phát triển trong tương lai của Hà Nội, từ đó xây dựng những chính sách, cơ chế đặc thù giúp cho sự phát triển Thủ đô đi đúng hướng. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu dự thảo Luật Thủ đô, tôi rất đồng tình với quy định tại điểm 3, Điều 11, phần quy hoạch: "Không xây dựng mới trong nội thành các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, bệnh viện...". Song song với quy định này, thành phố Hà Nội cần nhanh chóng thực hiện việc di dời các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, bệnh viện, nhà máy... ra khỏi nội đô để giảm mật độ dân cư và giảm áp lực cho hạ tầng giao thông trong thành phố.

Ông Nguyễn Trung Kiên (phường Trung Phụng, quận Đống Đa): Có chế tài xử phạt thật nặng để nâng cao ý thức người dân

Muốn xây dựng hình ảnh người Thủ đô văn minh, thanh lịch, bên cạnh việc giáo dục, tuyên truyền chính sách pháp luật, chúng ta cần có những chế tài đủ mạnh để răn đe, ngăn ngừa nhằm tiếp tục chấn chỉnh công tác quản lý đô thị, bảo vệ môi trường, bảo đảm ANTT, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô. Việc phạt thật nặng những hành vi như xả rác bừa bãi, chặt phá cây xanh, vi phạm Luật Giao thông đường bộ, phá hoại các công trình công cộng... sẽ từng bước nâng cao được ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân, từ đó mới xây dựng được một Thủ đô hiện đại, xanh, sạch, đẹp. Để làm tốt điều này, tôi hoàn toàn nhất trí với quy định tại điểm 2, Điều 25 dự án Luật Thủ đô: "Áp dụng mức xử phạt tiền đối với một số hành vi hành chính ở nội thành cao hơn mức xử phạt áp dụng chung cho cả nước trong lĩnh vực văn hóa, đất đai, môi trường, xây dựng, giao thông vận tải...". Hy vọng khi được ban hành, Luật Thủ đô sẽ đáp ứng được điều này để những vấn nạn của Hà Nội như tắc đường, xả rác bừa bãi... dần được giải quyết.

Bà Lê Thị Hồng Gấm (KTT 2B Nguyễn Khắc Cần): Đừng để các quy định trong luật "vướng" nhau

Ai đã từng sống mấy tháng trời bên cạnh một công trình xây dựng liên tục phát ra tiếng ồn khủng khiếp suốt từ sáng đến khuya nhưng mọi góp ý thiện chí không được chủ đầu tư lưu tâm sẽ thấy rõ cảm giác được sống trong môi trường yên tĩnh quan trọng đến mức nào. Rõ ràng, thành phố đã có quy định về độ ồn cho phép trong khu dân cư và thời gian làm việc không quá khuya. Tuy nhiên, chủ đầu tư gây tiếng ồn lại viện lý do, phương tiện vận tải phục vụ thi công công trình chỉ được phép vào thành phố sau 21h nên bắt buộc phải làm việc về đêm. Sự việc kéo dài suốt mấy tháng trời mà chính quyền địa phương không thể giải quyết dứt điểm.

Tôi mong rằng, các điều khoản trong Luật Thủ đô phải bao hàm mọi lĩnh vực để cộng đồng người dân sinh sống và làm việc ở Thủ đô cùng có trách nhiệm thực hiện như nhau trên cơ sở bảo đảm quyền được sống trong môi trường lành mạnh chứ không để mỗi người viện một lý do nào đó phục vụ lợi ích riêng mình, rồi mạnh ai nấy làm mà không thể xử lý.

Chị Nguyễn Thị Thu Nga (xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức): Cần quan tâm về nơi ở cho người có thu nhập thấp


Vợ chồng tôi đều sinh ra ở ngoại thành Hà Nội, lớn lên đi học rồi ở lại nội thành công tác. Từ hồi còn là sinh viên cho đến khi lập gia đình, chúng tôi đều phải đi thuê trọ (hơn 10 năm), hết chỗ này đến chỗ khác. Với đồng lương ít ỏi của hai vợ chồng chỉ tạm đủ trả tiền thuê nhà, nuôi con nhỏ và các sinh hoạt phí khác nên cuộc sống rất vất vả. Nghe tin Nhà nước bán nhà cho người thu nhập thấp ở chung cư Ngô Thì Nhậm (Hà Đông) nhưng xét theo thang điểm thì còn rất nhiều gia đình như vợ chồng tôi chưa đủ tiêu chuẩn... Được biết, Quốc hội đang tập trung thảo luận dự án Luật Thủ đô, rất mong các điều khoản trong luật sẽ quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa cho những người có thu nhập thấp, đã gắn bó, làm việc ở Hà Nội nhiều năm nay được mua nhà theo diện này dễ dàng hơn, để họ yên tâm công tác, cống hiến lâu dài cho sự phát triển của Thủ đô.

Anh Trần Dũng (phường Gia Thụy, quận Long Biên): Trùng tu di tích cần tôn trọng vẻ đẹp cổ kính

Với bề dày lịch sử 1000 năm, Hà Nội được thừa hưởng nhiều di sản quý giá. Nhưng bên cạnh sự tàn phá của thiên nhiên, các di tích lịch sử đang đối mặt với một "thảm họa" khác, đó là nạn trùng tu, sao chép di tích một cách tùy tiện. Cũng như bao người dân, tôi mong muốn Thủ đô ngày càng có nhiều đổi mới, nhưng bên cạnh đó phải gìn giữ những nét đẹp cổ kính, rêu phong, những giá trị làm nên một lịch sử của mảnh đất nghìn năm văn hiến. Vì vậy, rất mong sau khi Luật Thủ đô được Quốc hội chính thức thông qua, những quy định về bảo tồn và phát triển văn hóa trong luật sẽ được cụ thể hóa theo hướng bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử nhưng vẫn tôn trọng các hình thái kiến trúc cổ xưa, để Hà Nội giữ mãi được nét cổ kính của Thủ đô nghìn tuổi.n

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ vọng một cơ chế đặc thù để xây dựng, phát triển Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.