(HNM) - Hệ tri thức Việt số hóa là khái niệm còn khá xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên, hiểu một cách đơn giản, đó như một kho tri thức tổng hợp, toàn diện dành cho thế giới và mọi người dân Việt Nam.
Lâu nay, chúng ta quá quen thuộc với việc tìm kiếm thông tin tại các kho dữ liệu phong phú như Wikipedia và tiện lợi như Google. Tại đây, tri thức không chỉ khá đầy đủ về nội dung mà còn thuận tiện để người dùng có thể tìm kiếm, khai thác một cách nhanh nhất theo đơn vị thời gian tính bằng giây. Do đó, để thay đổi nhận thức và thói quen này, công cụ tìm kiếm mới ắt phải hay, thông minh, tiện lợi, phù hợp hơn với người Việt. Sự ra đời của Hệ tri thức Việt số hóa cũng là kỳ vọng lớn về một hệ thống dữ liệu thuần Việt, bảo đảm uy tín với người dùng. Đặc biệt, với hệ thống dữ liệu đủ đầy, chính thức, đây được xem như nền tảng kiến tạo những cơ hội lớn cho phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Được ví như một cuốn “bách khoa toàn thư”, Hệ tri thức Việt số hóa dự đoán sẽ phải cạnh tranh với những “ông lớn” đã được Việt hóa và có đông đảo người Việt yêu chuộng như Google, Wikipedia... Vậy, làm thế nào để hệ thống này không bị lép vế ngay trên "sân nhà" và thật sự hữu ích với đông đảo người dân?
Câu trả lời của hầu hết các nhà nghiên cứu chuyên ngành khoa học máy tính là cần phải để hệ thống đó trở nên thông minh hơn, tức là có khả năng tìm kiếm nhanh, thuận lợi và thủ pháp đơn giản. Điều này phụ thuộc rất lớn vào sự cố gắng nắm bắt, áp dụng những cái mới, hiện đại trên thế giới của những nhà gây dựng hệ thống như Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Giáo dục - Đào tạo…
Thực tế, những trang công cụ tìm kiếm hiện nay có lượng tài liệu khổng lồ nhưng không phải thông tin nào cũng đáng tin cậy. Nhiều tư liệu đáng giá, những tri thức của nhân loại chưa được dịch sang tiếng Việt; một số tư liệu quý chưa được sắp xếp có hệ thống để tra cứu thuận tiện. Vì vậy, để thắng thế những “cây cao, bóng cả”, thông tin của Hệ tri thức Việt số hóa phải được kiểm chuẩn, bảo đảm chính xác và phù hợp với phong tục, tập quán nước ta.
Mặt khác, nhằm phát triển Hệ tri thức Việt số hóa, như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi, hãy khơi dậy và lan tỏa tinh thần ham học hỏi của người Việt, ý thức cộng đồng và khí thế “bình dân học vụ trên không gian mạng”… Để có được khí thế ấy, công tác tuyên truyền cần tổ chức đậm, sâu, trên bình diện lớn với mục tiêu mọi tầng lớp nhân dân đều biết đến sản phảm này và sau nữa, phải trở thành môi trường để xây dựng một xã hội học tập suốt đời, phổ biến những tri thức khoa học, công nghệ đến toàn dân…
Mục tiêu của đề án “Hệ tri thức Việt số hóa” là rất lớn và chúng ta đang ở giai đoạn khởi đầu. Do vậy, cần có sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành và cả cộng đồng thì đề án mới có thể cán đích như mong đợi. “Vạn sự khởi đầu nan”, tầng lớp thanh niên, trí thức trẻ cần xác định mình là lực lượng mũi nhọn trong công cuộc truyền bá và tham gia xây dựng hệ tri thức. Mỗi trường học, mỗi cơ sở đào tạo phải được coi là hạt nhân có sức lan tỏa cho cộng đồng…
Là Thủ đô, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, Hà Nội cũng sẽ phải đi đầu, tích cực tham gia Hệ tri thức. Mỗi cá nhân hãy có trách nhiệm, với hành động cụ thể để chung tay bồi đắp kỳ vọng làm chủ tri thức, làm chủ tương lai…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.